Kết quả tích cực trong xuất khẩu lao động tại huyện Điện Biên

08:45 - Thứ Hai, 26/09/2016 Lượt xem: 3178 In bài viết
ĐBP - Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là giải pháp tạo việc làm, tăng thu nhập để người dân xóa đói giảm nghèo, thời gian qua huyện Điện Biên chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá những thị trường XKLĐ tiềm năng để người lao động lựa chọn. 8 tháng qua, huyện Điện Biên đã đạt 90% kế hoạch được giao trong công tác XKLĐ.

Anh Đinh Văn Ánh, ở đội 14, xã Thanh An, đi XKLĐ ở Hàn Quốc năm 2011, hết thời hạn hợp đồng, anh Ánh quay trở về địa phương. Không chỉ trả hết nợ vay ngân hàng lần đi XKLĐ trước đây, mà anh còn tiết kiệm được số tiền 200 triệu đồng để phát triển kinh tế hộ. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt của lao động xuất khẩu nên tháng 3/2016, anh tiếp tục đăng ký phỏng vấn và được đơn vị tuyển dụng lao động lựa chọn xuất cảnh đi Hàn Quốc làm việc lần thứ 2.

 

Người lao động tìm hiểu thông tin XKLĐ tại huyện Điện Biên.

Tương tự anh Hoàng Văn Bách, ở đội 16, xã Noong Hẹt trước đây cũng đã tham gia XKLĐ tại Hàn Quốc, sau khi kết thúc hợp đồng không lâu, anh lại được đơn vị tuyển dụng lao động gọi phỏng vấn. Đầu tháng 6/2016, anh Bách đã trở lại Hàn Quốc làm việc với mức lương 30 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm đến nay, cùng với anh Bách còn có 5 người trên địa bàn huyện Điện Biên tiếp tục trở lại làm việc tại Hàn Quốc.

Theo thông tin từ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên: Nhật Bản được đánh giá là thị trường XKLĐ tiềm năng đối với Việt Nam, bởi nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều và mức lương khá cao. Khi làm việc tại Nhật Bản, người lao động có nhiều cơ hội học tập và tiếp cận công nghệ hiện đại nên thị trường Nhật Bản cũng được nhiều lao động hướng tới. Từ chỗ chỉ tiếp nhận lao động thuộc các ngành nghề kỹ thuật, cơ khí, giờ đây Nhật Bản đã mở rộng một số ngành khá phù hợp với lao động Việt Nam như: Nông nghiệp, lắp ráp điện tử, chế biến thực phẩm, trang trí nội thất... Hiện nay, huyện Điện Biên có 3 lao động đang học tiếng Nhật để chuẩn bị tham gia XKLĐ tại Nhật Bản.

Ông Nguyễn Quang Khải, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên cho biết: Năm 2016, huyện Điện Biên được tỉnh giao thực hiện 10 chỉ tiêu tham gia XKLĐ, đến thời điểm hiện tại đã có 6 hợp đồng đi XKLĐ tại Hàn Quốc và 3 lao động chuẩn bị đi XKLĐ tại Nhật Bản (đạt 90% kế hoạch giao). Tuy con số XKLĐ còn khiêm tốn nhưng so với những năm trước, thì đây là kết quả khả quan tại những thị trường “khó tính” như Hàn Quốc và Nhật Bản. Những thị trường lao động phổ thông như: Ả Rập Xê Út, Lào có thu nhập thấp hơn (mức lương từ 5 - 8 triệu đồng/tháng) nên chưa thu hút được người lao động. Hàng năm các đơn vị tuyển dụng phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại các xã biên giới Việt - Lào; các xã vùng cao để giới thiệu, quảng bá, nhưng kết quả không như mong đợi. Bởi tâm lý của người lao động khi tham gia XKLĐ thường mong muốn những thị trường có thu nhập cao (20 - 30 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, tay nghề, ngoại ngữ của người tham gia XKLĐ chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó, vấn đề sức khỏe cũng là một trong những nguyên nhân khiến người lao động khó tham gia XKLĐ đối với những thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thời gian tới, để người lao động quan tâm hơn đối với thị trường việc làm ngoài nước; nhất là đối với những thị trường lao động phổ thông như Lào, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên tăng cường trách nhiệm quản lý thông tin người lao động, giải quyết kịp thời các vướng mắc, rủi ro xảy ra, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tạo niềm tin trong nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục đôn đốc các xã thực hiện điều tra, thống kê lực lượng trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia XKLĐ, nhu cầu học nghề. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn về XKLĐ, đào tạo nghề và thường xuyên phản ánh những thông tin vướng mắc, phát sinh trong việc triển khai thực hiện về Ban Chỉ đạo huyện để giải quyết kịp thời.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top