Chăm sóc NKT ở Mường Ảng

09:00 - Thứ Hai, 26/09/2016 Lượt xem: 3350 In bài viết
ĐBP - Bằng những việc làm ý nghĩa thể hiện sự quan tâm, trợ giúp người khuyết tật (NKT) từng bước ổn định cuộc sống... những năm qua, huyện Mường Ảng đã và đang tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền Luật NKT; thực hiện tốt các chế độ chính sách hỗ trợ nhằm quan tâm, động viên, sẻ chia và chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho NKT.

Bà Bùi Thị Quyên, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Ảng, cho biết: NKT trên địa bàn huyện chủ yếu là dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo không có điều kiện tiếp xúc với thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 584 NKT; trong đó, 329 người được cấp giấy chứng nhận khuyết tật (79 trường hợp đặc biệt nặng, 151 trường hợp nặng, 99 trường hợp ở mức độ nhẹ). Số chưa được cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật là 255 người, chiếm 43,7%.

 

Báo Điện Biên Phủ phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện trao tiền và quà hỗ trợ cho 2 cháu bị dị tật cột sống bẩm sinh tại bản Huổi Chỏn A (xã Ẳng Tở) tháng 5/2016.

Thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn huyện Mường Ảng, với tinh thần “Tương thân, tương ái” nhằm giúp NKT vượt qua mặc cảm, tự tin vào cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện - đơn vị chủ trì phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã triển khai thực hiện việc trợ cấp xã hội, thường xuyên tuyên truyền về Luật NKT thông qua hội nghị, hội thảo, phương tiện thông tin đại chúng và những buổi họp thôn, bản; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội huyện cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho 579/584 NKT, chiếm 99,2%; đôn đốc các trạm y tế xã lập sổ theo dõi, quản lý và khám, chữa bệnh cho NKT; xây dựng nâng cấp các công trình công cộng đảm bảo NKT có thể tiếp cận. Cùng với đó, Phòng cũng phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xác định mức độ khuyết tật; hướng dẫn cá nhân, gia đình NKT hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trình UBND huyện ra quyết định trợ cấp theo đúng quy định. Đặc biệt, huyện đã và đang triển khai phương thức giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật với 107 trẻ ở cả 3 cấp: Mầm non, tiểu học, THCS; trẻ được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.

Để NKT hòa nhập với cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho NKT tự tạo việc làm, vay vốn với chính sách ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Hàng năm, huyện tiến hành rà soát số NKT có nhu cầu học nghề để mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp, như: Cắt may, mây tre đan... Tìm việc làm phù hợp với sức khỏe và có thu nhập ổn định; đẩy mạnh xã hội hóa việc chăm sóc NKT, giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Ngoài ra, nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là NKT, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, hướng về cơ sở, các xã, bản vùng cao để giúp người già, trẻ em, NKT có cơ hội được tiếp xúc và thụ hưởng.

Chúng tôi đến thăm gia đình cháu Lường Văn Long, ở bản Bua II, xã Ẳng Tở. Long là trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, gia đình cháu được nhận chế độ chính sách với số tiền 450 nghìn đồng/tháng. Số tiền này đã phần nào sẻ chia khó khăn, giúp gia đình chăm lo cho cháu và từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Với sự chung tay của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc chăm lo đời sống cho NKT đã tác động không nhỏ giúp họ vơi bớt đi nỗi đau, hòa nhập với cuộc sống, trở thành những tấm gương sống nghị lực, có ích cho xã hội... Từ đó, khẳng định sự quan tâm của Nhà nước dành cho những người không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo, khuyết tật... vượt qua số phận, vươn lên ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top