Đề xuất quy định mới về hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội

10:22 - Thứ Hai, 26/09/2016 Lượt xem: 2319 In bài viết
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.

Trước đây, để hình thành và phát triển hệ thống cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội không tự lo được cuộc sống, không có khả năng sinh sống tại gia đình, cộng đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 quy định điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động, giải thể đối với các cơ sở bảo trợ xã hội. Đây là cơ sở pháp lý chính để hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội phát huy hiệu quả vai trò của mình.

 

Ảnh minh họa.

Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị định, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng đã bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định số 68/2008/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, lạc hậu, nhiều nội dung chưa được điều chỉnh, cần hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta và xu hướng quốc tế.

Một số nội dung bất cập, lạc hậu, cần được sửa đổi, bổ sung như: Đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội chỉ tập trung vào nhóm đối tượng bảo trợ xã hội không tự lo được cuộc sống và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp. Các nhóm đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn và người dân có nhu cầu chưa được tiếp cận, sử dụng dịch vụ.

Chức năng, nhiệm vụ của cơ sở bảo trợ xã hội được quy định chủ yếu là chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung đối tượng bảo trợ xã hội; chưa quy định theo xu hướng cung cấp dịch vụ và quản lý trường hợp các đối tượng bảo trợ xã hội và người dân có nhu cầu tại cộng đồng.

Khuyến khích thành lập cơ sở trợ giúp xã hội

Để khắc phục các bất cập trên, dự thảo nêu rõ, Nhà nước khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội và người dân có nhu cầu trên lãnh thổ Việt Nam. Cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa. Cơ sở có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Cơ sở trợ giúp xã hội là cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng bảo trợ xã hội và người dân có nhu cầu.

Cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm: a- Cơ sở bảo trợ xã hội; b- Cơ sở tư vấn, dịch vụ chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và các nhóm đối tượng khác; c- Trung tâm công tác xã hội; d- Cơ sở trợ giúp xã hội khác.

Đối tượng phục vụ

Dự thảo nêu rõ, đối tượng phục vụ của cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm: Đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Điều 25 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp; người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 111/2013/NĐ-CP; người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội.

Nhiệm vụ của cơ sở

Cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện một phần hoặc các nhiệm vụ sau: Cung cấp các dịch vụ khẩn cấp (Tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; đánh giá các nhu cầu của đối tượng; sàng lọc và phân loại đối tượng. Chuyển gửi đối tượng tới các cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan công an, tư pháp hoặc các cơ quan, tổ chức phù hợp khác; bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng); cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng dài hạn; cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tổ chức huy động và tiếp nhận sự hỗ trợ tài chính, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động của cơ sở; thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ theo yêu cầu; thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền quyết định…

Cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện quản lý tài chính, tài sản theo các quy định của pháp luật. Việc sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí phải thực hiện công khai, dân chủ và theo Quy chế hoạt động, Quy chế chi tiêu của cơ sở.

Đến nay, cả nước đã có 408 cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp khoảng 41.434 đối tượng bảo trợ xã hội; trong đó, có 194 cơ sở công lập, 214 cơ sở ngoài công lập; gồm 31 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 71 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 139 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 31 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 34 Trung tâm công tác xã hội. Một số mô hình mới về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác đã được thí điểm, hoạt động hiệu quả tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bến Tre, Long An, Nghệ An, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top