Thực hiện nếp sống văn minh gắn với xây dựng gia đình văn hóa

Từ phong trào đến hành động cụ thể

09:31 - Thứ Tư, 28/09/2016 Lượt xem: 2967 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa” đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể, đặc biệt được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của đông đảo nhân dân trong tỉnh. Phong trào đã trở thành hành động cụ thể và ngày càng phát triển sâu rộng, qua đó đã góp phần không nhỏ trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Môn đẩy gậy được đưa vào thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ XVIII, năm 2016.

Để phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa” đi vào cuộc sống, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các cấp, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mục đích của phong trào, chú trọng nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”; “xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” thông qua các hình thức: Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ; tuyên truyền miệng, băng rôn, khẩu hiệu, xe thông tin lưu động, lồng ghép trong các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, ngành chỉ đạo Đội thông tin lưu động tỉnh tổ chức tuyên truyền lưu động 90 buổi với nội dung về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến cơ sở.  Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các huyện, thị xã, thành phố cũng chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào đến cơ sở bằng nhiều nội dung, hình thức như: trên sóng phát thanh - truyền hình, pa nô khẩu hiệu, áp phích, bản tin, cổ động diễu hành, xe thông tin lưu động... Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 700 băng rôn, khẩu hiệu được treo; 11 cụm pa nô tuyên truyền tại trung tâm các xã, các điểm đông dân cư; hơn 500 buổi tuyên truyền miệng và trên 100 lượt xe thông tin lưu động tuyên truyền. Thông qua các hình thức và nội dung tuyên truyền đã làm cho nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào, từ đó tự giác tham gia thực hiện. Đặc biệt, trong công tác xây dựng gia đình văn hóa, Phòng Xây dựng nếp sống Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) gắn phong trào xây dựng gia đình văn hóa với gia đình hiếu học, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực giáo dục đào tạo ở địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có 80.586/118.616 hộ đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”; 1.332/1.813 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”. Từ nay đến cuối năm, tỉnh phấn đấu có 72.262 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 987 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa.

Xây dựng gia văn hóa phải gắn với xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng nếp sống văn minh nhất nhất phải đi cùng với gia đình văn hóa, chính vì thế, việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa những năm qua không những đã góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam mà còn tạo chuyển biến trong xây dựng mô hình gia đình mới bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Trong tổ chức việc cưới, việc tang đã theo nếp sống mới với tinh thần văn minh, lành mạnh, không phô trương, lãng phí. Các lễ hội được tổ chức văn minh - tiết kiệm, đẩy mạnh nội dung giáo dục ở phần “lễ”, tăng cường hoạt động vui chơi, giải trí, giao lưu ở phần “hội” từ đó tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh cho nhân dân. Thông qua lễ hội đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nhớ về tổ tiên, cội nguồn, bảo tồn, phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện nếp sống văn minh gắn với xây dựng gia đình văn hóa, tạo sự đồng thuận trong đời sống nhân dân, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đẩy mạnh và phát huy vai trò của phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị và tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa, hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top