Phát huy vai trò các tổ hòa giải cơ sở

09:02 - Thứ Hai, 03/10/2016 Lượt xem: 4730 In bài viết
ĐBP - Trong đời sống hàng ngày, có những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trong gia đình, cộng đồng nếu không được giải quyết kịp thời có thể dẫn đến hậu quả phức tạp, nhất là khi sự hiểu biết về pháp luật ở đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. 

Bởi vậy, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được các cấp ủy, chính quyền huyện Tuần Giáo quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Huyện Tuần Giáo hiện có 237 tổ hòa giải, với 1.117 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 3 - 7 người, gồm trưởng khối, bản hoặc bí thư chi bộ hay hội trưởng các chi hội, đoàn thể như: Cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên; người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Hầu hết các tổ viên của tổ hòa giải đều có trình độ học vấn phù hợp và sự hiểu biết về pháp luật.

 
Ông Bùi Anh Hùng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tuần Giáo, cho biết: Từ khi thành lập đến nay, các tổ hòa giải luôn hoạt động đúng mục đích, yêu cầu và có tỷ lệ hòa giải thành công cao. Từ đầu năm đến nay các tổ hòa giải tiếp nhận và hòa giải thành công 27/30 vụ việc. Các lĩnh vực chủ yếu đã hòa giải là hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai... Công tác hòa giải cơ sở góp phần gắn kết gia đình; tăng cường tình hàng xóm, anh em, hạn chế tối đa hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự ngay tại cơ sở, là điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để nâng cao kiến thức cho đội ngũ hòa giải viên, huyện đã mở nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; phát tài liệu tuyên truyền pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, khiếu nại tố cáo, đặc biệt là Luật Hòa giải. Nhờ đó, đội ngũ hòa giải viên nắm bắt kịp thời những chính sách, văn bản pháp luật mới cũng như hệ thống kiến thức, kỹ năng trong công tác hòa giải ở cơ sở.

 

Tổ hòa giải xã Tênh Phông tuyên truyền pháp luật cho người dân bản Ten Hon.

Do đặc thù địa bàn đông người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa, hiểu biết còn hạn chế, nên hoạt động tuyên truyền luôn được lồng ghép vào các buổi họp dân và bằng tiếng dân tộc để người dân nắm và hiểu dễ dàng hơn. Ngoài ra, để việc hòa giải có hiệu quả, các thành viên làm công tác hòa giải không chỉ có kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hòa giải, hiểu biết về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa và kinh nghiệm cuộc sống xã hội mà còn phải có khả năng vận dụng những kiến thức, hiểu biết đó để phân tích, giải thích, thuyết phục, cảm hóa các bên giải quyết tranh chấp phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục tập quán của người dân địa phương. Các thành viên tổ hòa giải đều là người bản địa nên vận dụng linh hoạt giữa các quy phạm pháp luật và phong tục tập quán để hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của đối tượng, nhận được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư nơi xảy ra mâu thuẫn. Từ đó đưa ra cách giải quyết tốt nhất cho đôi bên.

Ông Mùa Dúa Vàng, Tổ phó Tổ hòa giải bản Ten Hon, xã Tênh Phông, cho biết: Tổ hòa giải xã Tênh Phông có 5 thành viên. Khi đảm nhận vai trò Tổ phó Tổ hòa giải, trước tiên tôi phải nắm rõ những quy định, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời luôn lắng nghe tâm tư, ý kiến của bà con, để khi xảy ra mâu thuẫn, vấn đề phát sinh trong đời sống kịp thời giải quyết.

Một trong những khó khăn hiện nay, trong quá trình hoạt động của các tổ hòa giải là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Do đó, khi các sự việc phát sinh, tranh chấp liên quan đến đất đai, tài sản, các tổ hòa giải rất khó thuyết phục được các bên tự thỏa thuận, thống nhất với nhau. Do đó, với tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, tận tâm của đội ngũ hoà giải viên, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện cần tăng cường bám, nắm cơ sở, phối hợp với các tổ hòa giải nắm bắt hoàn cảnh của từng vụ việc để đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top