Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tuần Giáo

15:18 - Thứ Sáu, 02/12/2016 Lượt xem: 3524 In bài viết
ĐBP - Năm 2014, anh Quàng Văn Tú, ở bản Sản, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) được tham gia lớp học nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm rơm do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo tổ chức. Kết thúc khóa học, vận dụng kiến thức đã học cùng  với tìm hiểu trên phương tiện thông tin đại chúng, anh triển khai mô hình trồng nấm. Đến nay mô hình trồng nấm của gia đình anh đã phát triển được 200 - 300 bịch nấm các loại và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; thời gian cao điểm anh cung cấp cho thị trường từ 50 - 70kg nấm/ngày. Trừ chi phí, anh Tú thu nhập 40 triệu đồng/năm.

Được tham gia lớp đào tạo nghề chăm sóc và phòng trị bệnh cho thủy cầm, chị Quàng Thị Duyên, bản Thín B, xã Mường Thín đầu tư nuôi trên 100 con vịt thương phẩm. Đến nay đàn vịt đã tăng lên 500 con, gồm vịt thịt và vịt đẻ. Với hình thức nuôi bán công nghiệp, mỗi năm gia đình chị Duyên cung cấp ra thị trường hàng nghìn quả trứng và hàng tạ vịt thương phẩm. Chị Duyên cho biết: Nuôi vịt cần nắm chắc kiến thức phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tiêm vắc xin định kỳ và không để thức ăn lưu lại quá lâu. Mỗi năm chị xuất 2 lứa vịt thịt, cộng tiền bán trứng hàng ngày đã mang lại cho chị Duyên thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/năm.

 

Học viên tham gia lớp sửa chữa xe máy tổ chức ở 3 bản Che Phai 1, 2, 3 (xã Chiềng Sinh).

Chị Duyên, anh Tú chỉ là 2 trong số nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã tạo việc làm, có thu nhập khá sau khi được đào tạo nghề. Sau gần 6 năm (2010 - 2015) triển khai thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", toàn huyện Tuần Giáo có trên 4.800 lao động được tư vấn và học nghề; trên 3.700 người có việc làm sau học nghề (đạt gần 77%). Thời gian qua, huyện Tuần Giáo đã tổ chức đào tạo 40 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp (kỹ thuật chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn; phòng trị bệnh cho gia cầm, thủy cầm; trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến cà phê; trồng và chế biến nấm...) và phi nông nghiệp (tin học văn phòng, hàn xì cơ khí, sửa chữa điện, nước sinh hoạt, sửa chữa xe máy, máy công trình...). Quá trình học nghề, học viên được thực hành nhiều hơn thông qua việc lồng ghép với các mô hình khuyến nông trên địa bàn huyện, để có kiến thức thực tế. Nhờ đó người dân đã mạnh dạn đầu tư con giống, cây giống và chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây chất lượng cao.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế cần lao động ngành cơ khí, xây dựng, nên những năm qua các lớp đào tạo kỹ thuật xây dựng đã được mở nhiều hơn, mang lại kết quả khả quan. 90% học viên sau học nghề đều có việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 bên: doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề; vừa đào tạo tại trung tâm, vừa đào tạo tại doanh nghiệp nên người học nhanh chóng tiếp cận được kỹ năng, đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều học viên sau học nghề được các doanh nghiệp, công ty xây dựng ký hợp đồng; một số khác thì tổ chức thành nhóm nhận thi công các công trình xây dựng nhỏ tại địa phương.

Khó khăn trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn hiện nay của huyện Tuần Giáo là nguồn kinh phí chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu cho đào tạo nghề. Bên cạnh đó, một bộ phận lao động nông thôn chưa hiểu đầy đủ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước và lợi ích do học nghề đem lại, do đó chưa tích cực tham gia học nghề. Cơ sở vật chất của Trung tâm Dạy nghề huyện chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học...

Để công tác dạy nghề trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu của cả người học nghề và thị trường lao động, huyện Tuần Giáo tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách đào tạo nghề để người dân nhận thức được vai trò của học nghề, tăng thu nhập. Đồng thời, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất; gắn dạy nghề với các chương trình hỗ trợ khác như vay vốn phát triển sản xuất sau đào tạo.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top