Công tác cán bộ ở các xã mới chia tách

Khắc phục từng bước

15:24 - Thứ Sáu, 02/12/2016 Lượt xem: 3013 In bài viết
ĐBP - Nhận thấy sự cấp thiết của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, Chính phủ, các cấp, ngành đã quan tâm bằng các chương trình, đề án lớn như: Đề án Tăng cường 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã; Đề án Phân bổ 500 trí thức trẻ cho 163 huyện miền núi khó khăn trên phạm vi cả nước vào các chức danh công chức cấp xã. Đây là những đề án mang tính đột phá trong công tác cán bộ, vừa giúp cho đảng bộ và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, cũng là nơi để thanh niên rèn luyện tạo nguồn cán bộ cho xã, huyện. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ chính trị cũng thường xuyên được triển khai hàng năm.

 

Anh Tráng A Dè (đầu tiên bên trái) Chủ tịch UBND xã Nà Bủng thăm vườn rau của người dân.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận tình hình thực tế, cán bộ tại cơ sở còn thiếu và yếu. Nậm Pồ là huyện mới thành lập nên còn gặp rất nhiều khó khăn về cán bộ cơ sở. Qua thống kê năm 2015, toàn huyện có 166 cán bộ chuyên trách, gần 180 công chức và 570 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, bản. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách toàn huyện không đồng đều, có hơn 50% cán bộ chuyên trách chưa có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Trong một lần tác nghiệp tại xã Vàng Đán (mới chia tách từ xã Nà Bủng), chúng tôi được chứng kiến một câu chuyện khá hi hữu. Khi vừa trao đổi với lãnh đạo xã xong thì một thanh niên còn rất trẻ đến nhờ tôi: Chú về huyện thì chuyển giúp cháu bản báo cáo cho Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện! Chưa kịp hỏi thăm cậu ấy phụ trách công tác gì thì cán bộ xã giới thiệu: Đây là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã! Bất ngờ với tình huống này, tôi buột miệng hỏi: Em năm nay bao nhiêu tuổi? Vẫn câu trả lời lễ phép: Cháu gần 19 tuổi, mới tốt nghiệp phổ thông trung học! Khi hỏi kỹ ra, chúng tôi được biết vị Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vàng Đán chỉ đảm nhiệm công tác lâm thời và thực hiện nhiệm vụ có tính chất tổng hợp, do xã không thể bố trí ngay một người vừa có trình độ nhất định vừa… cao tuổi được. Cán bộ trẻ sẽ năng động, nhiệt huyết và khả năng học tập, tiếp thu cao nhưng đúng là Chủ tịch Hội Người cao tuổi mới 19 tuổi thì chắc chỉ Vàng Đán mới có. Ở huyện Nậm Pồ còn có xã Nậm Chua (chia tách từ xã Nà Hỳ năm 2013), qua khảo sát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (giai đoạn 2016 - 2020) thì xã chỉ có 2 hộ không thuộc diện nghèo. Đây là số liệu khiến chúng tôi thắc mắc, bởi theo quy định, lãnh đạo, cán bộ chuyên trách cấp xã dù gia đình còn khó khăn nhưng không đưa vào danh sách rà soát nghèo. Hỏi ra mới biết, toàn bộ cán bộ có chức danh lãnh đạo từ bí thư; chủ tịch UBND, HĐND; các phó bí thư, phó chủ tịch… đều có hộ khẩu thường trú tại xã Nà Hỳ. Nguyên nhân là do Nậm Chua thuộc khu vực vùng cao của xã Nà Hỳ cũ tách ra, cán bộ phát triển từ cơ sở quá thiếu, yếu nên phải khắc phục... dần dần.

Công tác cán bộ cơ sở thuộc các xã mới chia tách, vùng sâu, biên giới trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa, đây là động thái tích cực, cần thiết. Tuổi trẻ có những hạn chế về kinh nghiệm hoặc thiếu chiều sâu trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phong tục, tập quán… của các dân tộc bản địa (nhất là đội ngũ tri thức trẻ tăng cường xã thuộc Đề án 600, Đề án 500). Tuy nhiên, bù lại người trẻ hiện nay ngày càng có điều kiện học tập, nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin về khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất… nên phải nhìn nhận thẳng thắn rằng: lực lượng cán bộ trẻ ở cơ sở có trình độ cao hơn lớp cũ. Nhiều địa phương một phần do điều kiện thực tế yêu cầu đã không ngần ngại trẻ hóa cán bộ. Ngay như xã Vàng Đán, hiện nay trong số gần 50 cán bộ, công chức, người lao động thì người dưới tuổi 30 chiếm gần 60% (trong đó, có một số cán bộ là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã); cán bộ ngoài tuổi 40 chỉ chiếm 0,4% nhưng không có trường hợp nào trên 45 tuổi. Qua thực tiễn công tác cho thấy, đội ngũ cán bộ trẻ đã thể hiện được bản lĩnh, sáng tạo, thích ứng nhanh với cái mới, có sức khỏe, dám nghĩ dám làm có tinh thần trách nhiệm.

Tại các xã mới chia tách hầu hết còn nhiều khó khăn, cùng với công tác luân chuyển cán bộ một cách hiệu quả, tạo làn gió mới thì việc mạnh dạn đào tạo, đề đạt, bổ nhiệm những trí thức trẻ trưởng thành tại cơ sở, có tâm huyết với quê hương là điều rất cần thiết, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top