Sớm giải quyết vấn đề thiếu nước sạch ở vùng cao

08:51 - Thứ Hai, 12/12/2016 Lượt xem: 4090 In bài viết
ĐBP - Theo thống kê của UBND tỉnh, Điện Biên có 25 điểm phân bổ nguồn nước thuộc 3 lưu vực: sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông. Xét tổng thể, với đặc thù địa chất, địa hình dốc, nhiều sông nhỏ, suối cung ứng nước nhưng trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm, nhất là tình trạng diện tích rừng bị thu hẹp… khiến nguồn nước trên địa bàn tỉnh suy giảm về cả chất và lượng. Điển hình là các xã: Sa Dung (huyện Điện Biên Đông), Na Sang (huyện Mường Chà), Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ)… Ngoài ra, việc thiếu nước sinh hoạt, sản xuất còn phụ thuộc vào các yếu tố về đầu tư, chất lượng công trình sau đầu tư và ý thức của người dân.

Đơn cử như trường hợp ở xã Sa Dung, theo đánh giá của chính quyền cơ sở, nguồn nước về khu vực trung tâm xã qua hệ thống ống dẫn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, tuy nhiên, do đầu nguồn xa, đường ống qua địa bàn khác nên thường xuyên bị người dân thiếu ý thức tự ý đấu nối, thậm chí chặt đứt ống, xã nhiều lần khắc phục, sửa chữa, họp bàn, tuyên truyền nhưng chỉ được thời gian ngắn là đâu lại vào đấy. Hậu quả là không chỉ người dân, các cơ quan, đơn vị ở trung tâm xã thiếu nước sinh hoạt mà học sinh bán trú của các trường học nơi đây hàng ngày phải đi bộ vài kilômét để xách từng can nước về sinh hoạt. Tại xã Tà Lèng - một xã vùng cao của TP. Điện Biên Phủ, công trình nước sạch có vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2014, với các hạng mục: đường ống dẫn nước dài hơn 5km đưa nước từ đầu nguồn suối Nà Nghè về trung tâm xã; hệ thống xử lý bể lọc; các điểm bể, rồi phân phối đến từng hộ dân 2 bản: Tà Lèng và Kê Nênh. Theo phản ánh của người dân, chất lượng nước của công trình này không đảm bảo (đục, lắng cặn...) nên từ khi hoàn thành, công trình nước sạch này không phát huy hiệu quả; người dân 2 bản phải khai thác, sử dụng nguồn nước tự nhiên. Và sau 2 năm, công trình nước sạch nhưng không sạch này cũng đã xuống cấp do không được duy tu, bảo dưỡng. Đó chỉ là một vài ví dụ về thực trạng nước sinh hoạt của đồng bào vùng cao, hiện nay còn rất nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh thiếu nước sạch cho sinh hoạt, thậm chí có lần khi chúng tôi đến, người dân địa phương còn nói vui mà nghe rất chua chát: Ở đây tắm theo quý!

Nhận thấy sự cấp thiết của việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, vừa qua UBND tỉnh đã lập Tờ trình số 3717/TTr-UBND, ngày 1/12/2016 về “Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Điện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” trình HĐND tỉnh khóa XIV tại kỳ họp thứ 4 (diễn ra từ ngày 7 - 10/12). Quy hoạch có mục tiêu: Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước mặt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các mâu thuẫn trong sử dụng nước mặt của các ngành dùng nước trên các lưu vực sông. Đồng thời, giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước mặt trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm tới. Cụ thể, đến năm 2025 cấp phép khai thác sử dụng nước mặt cho 50% cơ sở đang khai thác sử dụng nước mặt trong diện phải có giấy phép; năm 2035, 100% công trình khai thác nước mặt tập trung đều được kiểm soát khai thác về chất lượng, lưu lượng khai thác, sử dụng; 100% công trình khai thác mới phải được cấp phép đầy đủ và phải có báo cáo tình hình thực hiện cấp phép khai thác định kỳ hàng năm; đảm bảo nước cho hệ sinh thái thủy sinh và duy trì môi trường các dòng sông. Đặc biệt là đảm bảo cấp nước đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho sinh hoạt và các vùng có tiềm năng phát triển về nông nghiệp mà hiện trạng đang thiếu nước. Hy vọng rằng, cùng với nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ về nước sạch của Chính phủ, Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Điện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 sẽ sớm được HĐND tỉnh thông qua và chính quyền các cấp, các ngành triển khai, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt của người dân và nước phục vụ sản xuất.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top