Tăng tuổi hưu: Cần lường những tác động chính sách khác

09:09 - Thứ Ba, 13/12/2016 Lượt xem: 2562 In bài viết
Chúng ta sắp qua giai đoạn "dân số vàng" nên việc tính toán để tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần phải lường trước những tác động của các chính sách khác…

Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội vừa chính thức đưa Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012 lên mạng internet để lấy ý kiến nhân dân trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm... Cụ thể, Dự thảo đưa ra 2 phương án sửa đổi điều 187, đó là: Phương án 1, giữ như hiện hành, nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi; Phương án 2 là tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58 và tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu mà không gây xáo trộn đến việc bố trí, sử dụng lao động. Chính sách tăng giờ làm thêm lên 600 giờ/năm có thể phù hợp với mong muốn người lao động nhưng tăng tuổi nghỉ hưu hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau…

 

Quỹ BHXH khó an toàn nếu không tăng tuổi nghỉ hưu.

Như vậy, theo phương án 1 thì vẫn giữ nguyên chính sách về độ tuổi nghỉ hưu là 60 đối với nam, 55 đối với nữ, độ tuổi này đã duy trì từ rất lâu (từ năm 1960, thời điểm này chưa có quy định người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH nhưng khi nghỉ hưu đều được Nhà nước chi trả), đến nay độ tuổi này vẫn chưa thay đổi.

Chính sách đóng/hưởng hiện nay cho một người lao động theo tỉ lệ đóng là 22% tiền lương tháng, tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Tỉ lệ hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng, được xem khá cao so với bình quân các nước trên thế giới (chỉ là 1,7%).

Về độ tuổi nghỉ hưu, thời gian bình quân đóng BHXH giữ nguyên trong khi đó tuổi thọ bình quân người Việt Nam tăng lên 73, dẫn đến thời gian hưởng lương hưu kéo dài sẽ gây mất cân đối quỹ. Trong khi đó, thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định, tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó nam là 55,61 tuổi và nữ là 52,56 tuổi; tỉ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỉ lệ cao, trên 50%.

Chính sách BHXH của chúng ta đang nằm trong tình trạng đóng ít, hưởng nhiều do tuổi thọ của người nghỉ hưu hiện khá cao. Và đó là một trong những lý do mà Bộ LĐTB&XH thấy cần phải tăng tuổi nghỉ hưu được đề xuất theo phương án 2.

Theo phương án 2, khả năng dẫn đến lãng phí một lực lượng lao động trẻ được đào tạo sẽ có nguy cơ bị lãng phí vì thị trường lao động hiện cung đang lớn hơn cầu.

Nếu nâng tuổi nghỉ hưu như đề xuất thì thời gian nghỉ hưu trung bình còn rất ngắn đối với nam và không dài đối với nữ. Trong khi đó độ tuổi này sức khỏe người lao động đã giảm sút, nên có thể ảnh hưởng đến hiệu quả lao động.

Và hơn nữa, trong giai đoạn này, chúng ta đang thực hiện chính sách cải cách hành chính để tinh giản biên chế ở các đối tượng hưởng lương; chính sách ưu tiên đào tạo lực lượng lao động trẻ... Đó là những chính sách có tác động mạnh đến việc tăng tuổi nghỉ hưu. Mặt khác, lộ trình tăng 3 tháng như phương án đưa ra cũng không phù hợp với thực tế lao động tại Việt Nam vì thời gian kéo dài như thế không đủ cho người lao động thêm yên tâm cống hiến.

Có thể thấy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức nhạy cảm và tác động sâu rộng tới tất cả các mặt của đời sống xã hội. Do vậy, để tạo sự đồng thuận cao, cơ quan chủ trì nên tính toán hết sức khoa học và chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần lường trước những tác động của chính sách khác vào việc tăng tuổi hưu để khi chính sách mới ban hành mang tính khả thi, tốt hơn cho người lao động và người dân, đồng thời bảo đảm lợi ích kinh tế, tài chính lâu dài cho đất nước.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top