Thanh niên Điện Biên nhận giải thưởng Lương Định Của

08:58 - Thứ Năm, 15/12/2016 Lượt xem: 3141 In bài viết
ĐBP - Giải thưởng Lương Định Của - phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trao cho những thanh niên có thành tích đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội. Tại lễ trao giải lần thứ XI năm 2016, Điện Biên vinh dự có một thanh niên được nhận giải thưởng này, anh tên Tạ Đình Tài, Bí thư Đoàn xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.

Là một trong số 85 thanh niên ưu tú được nhận giải thưởng Lương Định Của năm nay, con đường khởi nghiệp của Tạ Đình Tài cũng khác. Bắt đầu từ năm 2008, bằng số tiền 70 triệu đồng vay được của anh chị trong gia đình và Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, Tạ Đình Tài đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn trên diện tích 30m2 nuôi 3 con lợn nái và 10 con lợn giống. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, việc chăn nuôi gặp không ít khó khăn do anh tự mày mò, tham khảo kinh nghiệm từ những người chăn nuôi khác ở xã. Thất bại nhưng không nản chí, quyết không từ bỏ con đường mình đã chọn, Tài thường xuyên tìm đến các trang trại chăn nuôi thành công học hỏi kinh nghiệm, cách phòng tránh dịch bệnh rồi đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi cả lợn giống và lợn thịt, tăng đàn. Sau một thời gian, nhận thấy chất thải chăn nuôi nhiều, Tài tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng đào 2 ao cá với diện tích 4.000m2, trong đó 1 ao thả cá giống, 1 ao cá thịt với các loại trắm, trôi, chép, mè, vược. Mỗi năm xuất ra thị trường 6 tạ cá giống và 8 tạ cá thịt. Còn 1.000m2 vườn nhà, Tạ Đình Tài đã mua giống đào Nhật Tân về trồng, vụ đầu chỉ trồng thử nghiệm 100 cây bán vào dịp Tết, thấy khá hiệu quả, cây đào phù hợp khí hậu xanh tốt, hoa đều, to, sắc thắm, anh tiếp tục trồng từ 300 - 400 cây/năm. Việc mở hướng làm ao cá và trồng đào góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế lại giải quyết được một phần chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá, tạo nguồn phân bón cho rau màu và cây đào. Vài năm nay, Tạ Đình Tài lại đầu tư mua những gốc cây và gỗ lũa ở nhiều nơi rồi thuê thợ tạc bàn ghế, tượng, tam đa, thần tài và các đồ dùng khác tạo thêm thu nhập.

Không chỉ làm giàu chính đáng cho gia đình, trang trại tổng hợp của Tài còn tạo việc làm ổn định cho từ 10 - 12 lao động là đoàn viên thanh niên ở xã Thanh Hưng. Nhiều thanh niên trong xã và vùng ngoài đã tới tham quan học hỏi và được anh chia sẻ kinh nghiệm. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi khi vừa tham dự Lễ trao giải thưởng Lương Định Của tại Thủ đô Hà Nội về, anh Tài cho biết: Giải thưởng có giá trị tinh thần rất lớn đối với những thanh niên khu vực nông thôn. Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều thanh niên tiêu biểu của Điện Biên được trao giải thưởng.

Được biết trước Tạ Đình Tài có Sìn Văn Dưỡng ở thị xã Mường Lay cũng được trao giải thưởng Lương Định Của vào năm 2014. Sìn Văn Dưỡng cũng là người  thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp. Đặc biệt, nắm bắt thị hiếu thị trường, Dưỡng đã huy động 30 đoàn viên chung sức thành lập Hợp tác xã thanh niên sản xuất bánh khẩu xén. Bánh khẩu xén do hợp tác xã sản xuất được tiêu thụ mạnh không chỉ ở địa bàn thị xã mà còn ra các tỉnh thành khác, nhất là vào các dịp lễ tết, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình hay này vừa góp phần lưu giữ loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc Thái lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương.

Có một điểm chung ở các cá nhân đạt giải thưởng Lương Định Của qua các năm là, họ hầu hết trưởng thành từ các phong trào “thanh niên lập thân, lập nghiệp” ở khu vực nông thôn. Và rất nhiều trong số đó là những thủ lĩnh đoàn, tiên phong trong các phong trào đoàn ở cơ sở, năng động biết nắm bắt xu thế thị trường, mở mang ngành nghề phù hợp. Theo đồng chí Đặng Thành Huy, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, để khơi dậy hơn nữa tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng trong lực lượng đoàn vie­­n thanh niên, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên phát huy nội lực, tự lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại trong phát triển kinh tế. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ đoàn viên có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi. Nhất là chú trọng chuyển giao kỹ thuật về khuyến nông, khuyến lâm, lựa chọn đưa vào trồng, sản xuất các loại cây, con giống phù hợp với đặc thù từng vùng để đoàn viên thanh niên thêm cơ hội và nền tảng vững chắc đúng hướng để làm kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Bình Nguyên
Bình luận
Back To Top