Hệ lụy di cư tự do ở Cà Là Pá

09:03 - Thứ Năm, 15/12/2016 Lượt xem: 3680 In bài viết
ĐBP - Thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em không được chăm lo học hành, phá rừng trái phép… là những hậu quả của tình trạng dân di cư tự do ở điểm bản Cà Là Pá - một trong những điểm “nóng” về tình trạng di cư tự do thuộc xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé. Điều này khiến Cà Là Pá vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội lại chịu thêm áp lực về nhiều mặt.

Bộn bề gian khó

Chúng tôi đến Cà Là Pá vào một chiều cuối tháng 11, được tận mắt chứng kiến cảnh “đất chật người đông” với những ngôi nhà san sát, cách nhau một lối nhỏ. Chỉ có điều nhà ở đây không kiên cố mà lợp bạt, tường đan bằng tre, nứa, gió lùa bốn phía.  

 

Bữa cơm của 5 chị em Vàng Thị Giàng thường xuyên chỉ có cơm trắng và rau rừng.

Ghé vào ngôi nhà của A Cho, tôi được nghe kể về “chuyến di dân” của gia đình anh. Do ở nơi cũ đông quá, không có đất canh tác từ cuối năm 2015 gia đình anh Phá A Cho từ xã Co Tùng, huyện Thuận Châu, Sơn La mang theo hy vọng về một miền “đất hứa” mang tên Cà Là Pá. Vậy nhưng, hơn một năm qua những hy vọng của gia đình anh cứ ngày một vơi dần bởi cuộc sống đầy khó khăn, vợ chồng anh phải đi làm thuê khắp nơi để chạy ăn từng bữa, 2 đứa con đang tuổi đi học cũng phải nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ. Trong ngôi nhà tạm mới được gia cố thêm bằng bạt quây xung quanh, tài sản có giá trị nhất là mấy bao thóc để cả gia đình 5 miệng ăn dè xẻn. Vậy nhưng khi chính quyền địa phương đến vận động quay về nơi ở cũ thì gia đình anh Cho không muốn về bởi nhà, đất, tài sản ở quê cũ đã bán hết, quay về không biết sống ở đâu.

Cũng giống hoàn cảnh của gia đình anh Cho, sau khi di cư về bản Cà Là Pá, vợ chồng anh Vàng A Tủa và chị Phàn Thị Dợ đành để lại 5 đứa con nhỏ, dắt nhau vào Đắk Nông kiếm kế sinh nhai. Vắng bố mẹ, chị cả Vàng Thị Giàng chỉ mới 13 tuổi phải gánh cả trọng trách chăm sóc 4 đứa em (đứa nhỏ nhất vừa tròn 3 tuổi). Bữa ăn của 5 chị em Giàng chỉ có cơm trắng và nồi canh rau rừng tự kiếm. “Tiền bố mẹ gửi về phải tiêu dè xẻn, thỉnh thoảng em mới dám mua cá khô để đổi bữa cho các em, còn những bữa cơm có thịt thì lại càng ít” - lời của Giàng càng khiến chúng tôi xót xa.

Không chỉ là những thiếu thốn về vật chất, tình cảm gia đình, tình trạng di cư tự do ở Cà Là Pá còn kéo theo nhiều hệ lụy cho địa phương như: phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn trong quản lý Nhà nước về dân cư, phức tạp về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Cùng với đó, áp lực sinh kế cũng ngày càng đè nặng lên tài nguyên rừng nơi đây, bởi ngoài cách đi kiếm việc làm thuê ở các địa phương khác, nhiều hộ dân khi di cư đến đây lại chọn cách khai hoang, lấn chiếm trái phép đất rừng để trồng ngô, lúa dù biết phá rừng là sai, là vi phạm pháp luật nhưng không phá thì không có đất sản xuất, không có cái ăn.

Còn nhiều thách thức

Được biết, tình trạng dân di cư tự do đến Cà Là Pá tập trung nhiều nhất vào khoảng thời gian từ năm 2009 - 2012, khiến dân số nơi đây tăng gấp chục lần, từ 27 hộ với khoảng 500 nhân khẩu (năm 2008) lên hơn 360 hộ với trên 2.300 nhân khẩu (năm 2015); tất cả chen chúc trong diện tích quy hoạch chỉ đủ cho khoảng 50 hộ dân sinh sống. Để giải quyết tình trạng trên, huyện Mường Nhé đã triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường quản lý chặt chẽ dân cư, kịp thời phát hiện số dân di cư mới đến địa bàn xã để có biện pháp giải quyết, ngăn chặn; tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được những ảnh hưởng tiêu cực từ việc di cư tự do... Một trong những giải pháp căn cơ là ổn định đời sống cho người dân di cư. Tháng 1/2016, hơn 60 hộ dân với trên 500 nhân khẩu được tách ra bố trí sắp xếp ổn định tại chỗ là tại bản Cà Là Pá 1 nhằm giảm áp lực về tình trạng quá tải dân số cho Cà Là Pá. Chính quyền địa phương cũng phối hợp với tổ công tác các ban, ngành tổ chức tuyên truyền, vận động gần 170 hộ đăng ký di dời tới các điểm bản mới là Mường Toong 4, 5, 6, 7 thuộc xã Mường Toong theo quy hoạch. Mỗi hộ khi di chuyển được hỗ trợ hơn 30 triệu đồng cùng 0,6ha đất để làm nhà và 1,5ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, bà con còn được lực lượng chức năng giúp dỡ nhà, vận chuyển và dựng nhà tạm tại nơi ở mới. Tuy nhiên do tâm lý lo không đủ đất sản xuất, do phong tục tập quán người dân thường đi theo nhóm hộ, hoặc đi theo dòng họ nên khi vận động di dời rất khó khăn. Bởi vậy, đến nay mới có trên 50 hộ di chuyển. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của các cấp, ngành song mỗi năm Cà Là Pá vẫn phải tiếp nhận từ 15 - 20 hộ di cư đến. Trong khi đó, số hộ chuyển đi hoặc trả về địa phương chỉ từ 1 - 2 hộ. Thời điểm này, Cà Là Pá có trên 275 hộ dân đang sinh sống với trên 1.600 nhân khẩu, nhưng theo rà soát mới chỉ có duy nhất 1 hộ thoát nghèo, 2 hộ cận nghèo. Bởi vậy, giải quyết triệt để vấn nạn di cư tự do và đảm bảo ổn định đời sống của người dân ở Cà Là Pá vẫn đang là thách thức lớn đối với xã Leng Su Sìn nói riêng và huyện Mường Nhé nói chung.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top