Chú trọng phát triển công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước

09:57 - Thứ Tư, 21/12/2016 Lượt xem: 2448 In bài viết

Sáng 20-12, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án "Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới". Tới dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận T.Ư.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết: Nhằm phát huy tốt vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ), việc đổi mới tổ chức, hoạt động là yêu cầu cấp thiết, Dự thảo đề án xác định sáu vấn đề cốt lõi: Đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả là trách nhiệm, sứ mệnh của Công đoàn Việt Nam; chủ động phát triển quan hệ lao động theo quy định pháp luật; giữ vững sự thống nhất của NLĐ thành một khối vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng để phát triển đất nước; khẩn trương xây dựng nguồn lực đủ mạnh, tạo ra những quyền lợi khác biệt, lớn hơn cho đoàn viên; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách đủ chuẩn, chất lượng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức công đoàn.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Tổng LĐLĐ Việt Nam cần chú trọng công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mũi nhọn trong thời gian tới. Việc xây dựng đề án cần dựa vào thể chế chính trị, chủ trương của Đảng; hoàn thiện bộ máy của tổ chức công đoàn đang có theo hướng tinh gọn, hiệu quả...

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần hoàn thiện đề án theo hướng tiếp tục duy trì vai trò quan trọng của cấp công đoàn cơ sở, phát huy vai trò của cán bộ công đoàn cơ sở, đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ lợi ích chính đáng của NLĐ. Góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao khi Việt Nam hội nhập toàn diện với thế giới, được công nhận có nền kinh tế thị trường và tham gia đầy đủ vào các hiệp định thương mại kiểu mới. 

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top