Góc nhìn nhà báo

Điều nhiều người từng biết...

09:02 - Thứ Năm, 22/12/2016 Lượt xem: 3039 In bài viết
ĐBP - Gần 15 năm trước, sáng ngày 02/8/2002, tại thành phố Vũng Tàu, Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia và Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam, đã long trọng tổ chức lễ trao giải: “Con đường đẹp Việt Nam - 2002”. Tất cả có 18 giải thưởng, gồm: 5 giải nhất, 9 giải nhì và 4 giải ba; được trao cho 6 quốc lộ, 6 tỉnh lộ và 6 đường nội thị. Đoạn cuối của quốc lộ 279 (thị trấn Tuần Giáo - cửa khẩu Tây Trang) của tỉnh Lai Châu (cũ), được Ban tổ chức bình chọn là 1 trong 5 giải nhất và lạ kỳ thay, cả đoạn đường “không có vỉa hè” trên cũng nằm trong “Con đường đẹp Việt Nam - 2002”...

Và rồi, 12 năm sau (2002 - 2014), thực hiện Quyết định số 05/2014/QĐ-UBND ngày 15/4/2014 của UBND tỉnh Điện Biên, tuyến đường được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiều rộng 32m, chiều dài 6.965,4m (đoạn từ đầu cầu Huổi Phạ - lý trình km 71 + 286 đến cuối cầu bê tông ranh giới giữa thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên - lý trình km 78 + 251,4). Tuy nhiên,  hơn 2km (thuộc phường Nam Thanh) trong số gần 7km của tuyến đường Võ Nguyên Giáp, đến thời điểm này vẫn không có vỉa hè. Đấy là đoạn từ đầu km35 + km81 (Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ), tới cuối km33 + km83 (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên); nằm trên trục chính đường nội thị TP. Điện Biên Phủ (trước đây mang tên đường 7/5). Dẫu chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn 1,72% tổng chiều dài toàn tuyến đường, nhưng đây là đoạn đường quan trọng, chạy qua thị trấn Mường Thanh trước kia và nay là phường Nam Thanh của TP. Điện Biên Phủ. Lần gần đây nhất, năm 2002, đoạn đường được đầu tư mở rộng với tinh thần lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2004). Theo đó, lòng đường được mở rộng và nâng cấp, hệ thống biển báo được tăng cường, chỉ tiếc rằng vỉa hè cả hai bên đều trong tình trạng... không có.

Nhiều năm qua trên đoạn đường này, như có “hẹn” cứ dăm bữa nửa tháng lại xảy ra một vụ đâm đổ va quệt giữa các phương tiện tham gia giao thông, hoặc giữa phương tiện giao thông với người đi bộ. Nguyên nhân thì có nhiều và trong đó, một trong những nguyên nhân chính là con đường không có vỉa hè. Các loại phương tiện đã thế, còn người đi bộ cũng buộc phải bước xuống lòng đường vì không còn cách nào khác. Ngoài mấy chục nghìn dân các xã phía đông nam lòng chảo Mường Thanh, con đường còn là tuyến giao thông huyết mạch nối thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điên Biên với huyện Điện Biên Đông.

Xin lưu ý điều mà nhiều người từng biết: Trên địa bàn tỉnh ta, đường 279 là tuyến giao thông duy nhất với vai trò quốc lộ, nối Điện Biên với các tỉnh thượng Lào. Đây không chỉ là con đường hữu nghị, con đường thông thương, mà còn là con đường chiến lược với sứ mạng cao cả bảo vệ Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung...

Song Sơn
Bình luận
Back To Top