Nậm Pồ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:27 - Thứ Sáu, 23/12/2016 Lượt xem: 3346 In bài viết
ĐBP - Việc dạy nghề theo nguyện vọng người dân những năm qua ở huyện Nậm Pồ đã đem lại hiệu quả thiết thực. Sau các khóa học, học viên cơ bản nắm vững kỹ năng, kiến thức ngành, nghề được đào tạo, từ đó áp dụng vào thực tiễn, mở ra hướng thoát nghèo cho gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Nhờ tham gia lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, nông dân xã Si Pa Phìn đã biết cách chăm sóc đàn gia súc.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, trong chuyến công tác tại huyện Nậm Pồ, chúng tôi được tham quan một lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò tại bản Phi Lĩnh, xã Si Pa Phìn do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức. Tại đây, 35 học viên được học về: nguyên nhân, cách khắc phục, phòng, chống các loại dịch bệnh cho trâu, bò, như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, đầy bụng, chướng hơi… Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”… lấy hiệu quả để đánh giá kết quả học tập là cách làm của trung tâm trong việc dạy nghề cho học viên; công tác giảng dạy, đào tạo nghề không chỉ dừng lại ở phạm vi lý thuyết, hướng dẫn chung chung theo khái niệm mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng sau mỗi khóa đào tạo. Trò chuyện với anh Phàng A Di, được biết, gia đình anh hiện đang nuôi gần 10 con trâu, bò. Do không biết cách chăm sóc nên gia súc của gia đình anh chậm lớn. Khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10, cán bộ Trung tâm Dạy nghề huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng lãnh đạo xã, trưởng bản tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc tổ chức dạy nghề, anh Di đăng ký tham gia lớp đào tạo ngắn hạn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò. Sau hơn 1 tháng được giáo viên hướng dẫn tận tình, đến nay anh Di cơ bản nắm được cách chăm sóc gia súc. Anh Phàng A Di, chia sẻ : “Trong quá trình học, mình cố gắng nắm vững kiến thức giáo viên truyền thụ và áp dụng vào thực tiễn. Chỉ trong thời gian ngắn nhờ áp dụng kiến thức đã học được, đàn trâu, bò của gia đình tôi đã béo hơn trước”. Còn đối với gia đình ông Vàng A Lập, mặc dù là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã với hàng chục con gia súc, hàng trăm con gia cầm, song khi huyện mở lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, ông cũng đăng ký tham gia. Theo ông, học nghề để nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc vật nuôi. Cũng thông qua lớp học, đàn trâu, bò của ông khỏe mạnh, béo tốt và mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.

Đối với huyện khó khăn như Nậm Pồ, tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện đã tổ chức đào tạo thường xuyên 16 lớp với 520 học viên, gồm các nghề: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, dê, lợn; kỹ thuật trồng và chế biến nấm. Hiện có 388 học viên đã được cấp chứng chỉ nghề. Cùng với việc mở các lớp đào tạo ngành, nghề cho lao động nông thôn, huyện cũng tích cực mở ra hướng giải quyết việc làm cho lao động. Trong năm, toàn huyện có 450 lao động được giải quyết việc làm, trong đó xuất khẩu lao động 10 người.

Ông Lò Văn Thân, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ, cho biết: Thời gian qua, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện được triển khai tích cực, có hiệu quả, sau khi đào tạo nghề, trên 90% học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top