Bảo hiểm - Giải pháp giảm rủi ro thiên tai

15:53 - Chủ Nhật, 25/12/2016 Lượt xem: 3513 In bài viết

Mỗi năm, tổn thất kinh tế trực tiếp bình quân do bão và lũ lụt gây ra ước bằng 0,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 71% người dân Việt Nam, thường xuyên phải đối mặt với diễn biến tiêu cực của thời tiết. Bên cạnh các nỗ lực phòng, tránh thiên tai, việc tìm giải pháp tài chính bền vững, trong đó có bảo hiểm được xem là công cụ hữu hiệu nhằm bảo đảm sinh kế cho người dân.

Thiệt hại lớn, hậu quả lâu dài

Theo ước tính của Liên hợp quốc, trong 10 năm qua, trên toàn thế giới đã có khoảng 700.000 người thiệt mạng trong các thảm họa. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, các thảm họa thiên nhiên đã gây tổn thất gần 4.000 tỷ USD trong 30 năm qua. Riêng năm nay, thiệt hại về tài chính do các hiện tượng thiên tai gây ra đã tăng khá mạnh so với cùng kỳ, với mức thiệt hại gần 100 tỷ USD (năm 2015 là 59 tỷ USD) và thiên tai cũng cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.

Các giải pháp tài chính sẽ góp phần quản lý rủi ro thiên tai.

Là quốc gia nằm ở "rốn" bão khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng không ngoại lệ khi phải chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và nhiều thiên tai (bão, lụt, lũ quét, lốc tố, triều cường…). Còn theo đánh giá của WB, Việt Nam là quốc gia phải gánh chịu nhiều nguy cơ thiên tai như: bão, lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán. Ước tính, khoảng 60% tổng diện tích đất đai, 71% dân số phải chịu nguy cơ bão và lũ lụt. Hằng năm, tổn thất kinh tế trực tiếp bình quân do bão và lũ lụt ước bằng 0,8% GDP, đứng thứ 3 (sau Myanmar và Philippines) trong các quốc gia thành viên ASEAN. Trong vòng 50 năm tới, với xác suất 40%, Việt Nam có thể phải chịu thiệt hại vượt quá 141,2 nghìn tỷ đồng (6,7 tỷ USD) do thiên tai gây ra. Các tỉnh Bắc Trung Bộ có tỷ lệ nghèo cao hơn cũng có xu hướng phải đối mặt với thiệt hại cao hơn do bão, lũ.
Quản lý rủi ro, thiên tai bằng giải pháp tài chính
Hạn chế và giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra đã, đang được Việt Nam đẩy mạnh. Tại hội thảo về “Giải pháp tài chính cho rủi ro thiên tai tại Việt Nam”, do Bộ Tài chính và WB phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều giải pháp đã được đề cập. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, việc xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro thiên tai là rất cần thiết, trong đó giải pháp về bảo hiểm là một công cụ, giải pháp hữu hiệu, không chỉ giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách nhà nước, chuyển giao rủi ro ra thị trường quốc tế, mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch và phòng, chống thiên tai. 
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro thiên tai như Thứ trưởng Bộ Tài chính đề xuất là rất cần thiết, qua đó góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch và phòng, chống thiên tai. Còn chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Sebastian Eckardt nêu rõ: “Một cách tiếp cận mang tính chiến lược nhằm cải thiện khả năng chống chịu của đất nước trước những cú sốc như vậy sẽ giúp bảo đảm an toàn cho sinh kế của người dân, giúp duy trì bền vững tăng trưởng kinh tế và những tiến bộ trong phát triển. Việc hỗ trợ xây dựng chiến lược này là một trong những ưu tiên của WB trong quá trình hợp tác với Việt Nam”.
Các chuyên gia WB khuyến nghị, chiến lược bảo vệ tài chính phải là một phần của chương trình tổng thể quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu chung. Các cơ chế chính sách, pháp luật, thể chế và vận hành cũng như hoạt động thực chất của các quỹ này cần được Việt Nam rà soát nhằm tăng cường khả năng chống chịu về tài chính của các địa phương. Khu vực tư nhân là đối tác thiết yếu đóng góp về vốn, chuyên môn kỹ thuật và các giải pháp tài chính sáng tạo để bảo vệ tốt hơn cho chính quyền và xã hội nhằm đối phó thiên tai.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top