Chi cục Dân số - KHHGĐ

Những chặng đường phát triển

14:01 - Thứ Hai, 26/12/2016 Lượt xem: 3131 In bài viết
ĐBP - “Quyết định 216/CP của Hội đồng Chính phủ, được coi là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta về công tác dân số - KHHGĐ, mang đậm tính nhân văn “Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc, hoà thuận của gia đình và để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp”... 

Đây là dấu mốc đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ở Việt Nam nói chung, Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) nói riêng.

 
Trong 30 năm (1961 - 1991) hệ thống công tác dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở chưa có bộ máy chuyên trách mà chủ yếu do ngành Y tế đảm nhiệm, triển khai một số hoạt động sinh đẻ kế hoạch, tiến hành công tác truyền thông vận động và tổ chức các đội đặt vòng lưu động, nhưng chỉ đáp ứng một phần “khiêm tốn” nhu cầu tránh thai của nhân dân. Vì vậy, tốc độ gia tăng dân số vẫn ở mức rất cao, gây áp lực không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh.

 

Cán bộ Chi cục Dân số - KHHGĐ và trung tâm Dân số  - KHHGĐ các huyện trao đổi về công tác dân số.

Năm 1989 Ủy ban Dân số - KHHGĐ tỉnh Lai Châu nay là tỉnh Điện Biên được thành lập. Đến năm 1993, Ủy ban Dân số - KHHGĐ tách khỏi Sở Y tế, thành lập cơ quan Ủy ban Dân số - KHHGĐ trực thuộc UBND tỉnh có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng để hoạt động, đánh dấu mốc quan trọng và bắt đầu đưa công tác dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta bước sang một trang mới. Đến năm 2001, thực hiện Nghị định 12/NĐ - CP ngày 27/3/2001 của Chính phủ về việc tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thông tư 32/TTLB ngày 6/6/2001 của liên bộ Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ; Ủy ban Dân số - KHHGĐ và Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh sáp nhập thành “Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em” với 26 cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, 32 cán bộ cấp huyện, 106 cán bộ  xã, phường, thị trấn; 1.460 cộng tác viên tại các thôn, bản... Năm 2008 sau khi Ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em giải thể, chức năng quản lý Nhà nước về dân số - KHHGĐ được giao về Sở Y tế, đó cũng là thời điểm Chi cục Dân số - KHHGĐ được đổi tên, thành lập. Hòa chung dòng chảy với những bước thăng trầm của việc phát triển kinh tế - xã hội, công tác dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta cũng trải qua nhiều gian khó và thách thức không nhỏ, đòi hỏi mỗi thế hệ cán bộ làm công tác dân số phải có niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và sự kiên trì bền bỉ... Nhất là đối với Điện Biên - một tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về việc sinh đẻ có kế hoạch còn nhiều hạn chế, bất cập; số phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ ngày càng nhiều, tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng cao, so với mặt bằng chung của các tỉnh; chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người vẫn ở mức thấp… Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở còn hạn chế, số buổi tuyên truyền ít, hiệu quả chưa cao (huyện Mường Nhé, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Chà); chế độ và chính sách quá thấp (100 nghìn đồng/tháng) dẫn đến việc các cộng tác viên gắn bó lâu dài với công tác dân số là rất ít.

Hơn nửa thế kỷ qua, với nhiều biến động, bộ máy tổ chức hết chia tách rồi sáp nhập; nhưng với lòng nhiệt huyết, phấn đấu bền bỉ của đội ngũ những người làm công tác dân số và sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng,  chính quyền, đề ra những giải pháp cụ thể, sự phối kết hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, công tác dân số ở tỉnh ta đã đạt nhiều thành tựu đáng mừng. Nhận thức của nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai đã dần tăng qua các năm. Năm 2016 dân số trung bình là 557,411 người; tỷ suất sinh 25,30%o ước thực hiện năm 2016; tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai 66,84% năm 2016; tỷ số giới tính khi sinh được khống chế ổn định 100,5 trẻ trai/100 trẻ gái, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 21,27%... Từ đó, góp phần đưa tỉnh ta bước vào thời kỳ cơ cấu “Dân số vàng” ổn định nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi và trẻ em, mở ra cơ hội thuận lợi cho tỉnh ta phát triển nguồn lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng với đó, với mục tiêu giảm sinh trên cơ sở tăng dần số người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đáp ứng dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cho người dân; từ nhiều năm qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã triển khai nhiều mô hình, đề án hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dân số, như: Mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Được ví như “cánh tay nối dài” của công tác dân số, đội ngũ 1.780 cộng tác viên dân số đã vượt qua khó khăn, xây dựng các mô hình truyền thông tại cộng đồng; thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để bám nắm địa bàn, vận động trực tiếp người dân thực hiện đường lối chủ trương của Đảng về Pháp lệnh Dân số - KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản, góp phần đưa tỉnh ta bước vào thời kỳ “Dân số vàng”.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top