Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

Đẩy mạnh công tác truyền thông DS – KHHGĐ

14:35 - Thứ Hai, 26/12/2016 Lượt xem: 3846 In bài viết
ĐBP - Xác định công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng dân số. Trong thời gian qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, công tác tuyên truyền, vận động đưa chính sách DS-KHHGĐ vào thực tiễn đời sống của nhân dân trong tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm. Từ đó, nhận thức của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt.

Để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. Năm 2016, Chi cục DS-KHHGĐ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Thực hiện Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản (SKSS) Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Kế hoạch 2875/KH - UBND về việc thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh; tổ chức thành công kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7) tại huyện Mường Nhé; liên hoan tuyên truyền viên dân số cấp tỉnh.

 

Cán bộ chuyên trách dân số xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Sầm Phúc

Cùng với đó, chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn trong năm 2016 được triển khai tại 52/52 xã thuộc 8 huyện đạt 100% kế hoạch; có 1.923 người thực hiện các biện pháp tránh thai (BPTT) lâm sàng đạt 91,7%, tăng tổng số người mới sử dụng các BPTT năm 2016 là 24.373 người, đạt 107% kế hoạch giao, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: triệt sản đạt 90%, dụng cụ tử cung đạt 93%, thuốc tiêm tránh thai vượt 80% kế hoạch; thuốc uống tránh thai đạt 15,15%; bao cao su đạt 94 % so với kế hoạch. Phương tiện tránh thai miễn phí được cung cấp đầy đủ và kịp thời theo chỉ tiêu được phân bổ, ngoài ra còn cung cấp các phương tiện tránh thai qua kênh tiếp thị xã hội theo hướng dẫn của Tổng cục DS - KHHGĐ. Công tác truyền thông, vận động tại cơ sở được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền về các chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ với khoảng 3.850 lần truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề cho 82.415 lượt người nghe, thăm khoảng 5.075 hộ gia đình.

Năm 2016, công tác kiểm tra hỗ trợ cơ sở được triển khai thường xuyên và tương đối hiệu quả. Việc rà soát các số liệu về DS-KHHGĐ chuẩn bị cho việc đổi sổ A0 theo chỉ đạo của Tổng cục DS-KHHGĐ được thực hiện đồng bộ đã góp phần nâng cao chất lượng các chỉ số báo cáo về DS-KHHGĐ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác DS-KHHGĐ cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức: mức sinh còn cao đặc biệt ở vùng sâu, vùng khó khăn; tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở một số nơi có chiều hướng gia tăng; chất lượng dân số thấp; tỷ lệ trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh và trẻ bị suy dinh dưỡng còn khá cao; tỷ số giới tính khi sinh ở mức báo động, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn tồn tại ở đồng bào dân tộc thiểu số; vấn đề chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trong cộng đồng cũng đang là một bài toán khó đang đặt ra cần giải quyết.

Để thực hiện tốt Chiến lược quốc gia DS/SKSS giai đoạn 2016 - 2020, Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi về DS/SKSS/KHHGĐ kết hợp với việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thuận tiện cho mọi đối tượng; tăng cường khả năng đáp ứng các BPTT miễn phí; đẩy mạnh công tác tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai tại địa bàn các xã, phường, thị trấn có điều kiện kinh tế thuận lợi; tổ chức các đội cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ để hỗ trợ kỹ thuật; tư vấn, đáp ứng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, nhằm thúc đẩy việc thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch; đảm bảo nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả…      

Bên cạnh đó, để giảm bớt khó khăn trong quá trình triển khai công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh năm 2017 và những năm tiếp theo, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể để công tác DS-KHHGĐ đạt được kết quả theo kế hoạch được giao, góp phần tích cực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Vũ Thị Thùy (Chi cục Dân số - KHHGĐ)
Bình luận
Back To Top