Đề án Sáp nhập các trung tâm công lập

Nhiều vấn đề phát sinh

08:37 - Thứ Năm, 29/12/2016 Lượt xem: 3547 In bài viết
ĐBP - Qua rà soát, thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ - TB & XH), trên địa bàn tỉnh hiện có 13 cơ sở dạy nghề gồm: 1 trường cao đẳng nghề, 8 trung tâm dạy nghề cấp huyện, 4 cơ sở dạy nghề khác. Ngoài ra còn có 8 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT - BLĐTBXH - BGDĐT- BNV ngày 19/10/2015 của liên bộ: Bộ LĐ - TB & XH, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT), Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện (gọi chung là trung tâm công lập) thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, UBND tỉnh đã triển khai Thông tư tới UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Đề án Sáp nhập các trung tâm công lập theo hướng dẫn... Phương án sắp xếp sau khi sáp nhập các trung tâm công lập. Theo toàn tỉnh đưa ra 1 trường cao đẳng nghề tại TP. Điện Biên Phủ, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (có trụ sở tại 9 huyện, thị xã: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Điện Biên, Mường Chà, Mường Lay, Mường Nhé và Nậm Pồ). Đến nay, các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng xong Đề án Sáp nhập các trung tâm công lập.

 

Học viên tham gia lớp đào tạo sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng nghề Điện Biên.

Tại huyện Điện Biên Đông, qua thực tế hoạt động của Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề cho thấy việc tồn tại cùng lúc 2 trung tâm bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như: Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải, gây tốn kém, lãng phí. Đội ngũ cán bộ, quản lý và giáo viên bố trí chưa hợp lý, có nơi thừa, nơi thiếu, phân tán nguồn lực. Trong khi Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện có đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo đủ yêu cầu đào tạo thì Trung tâm Dạy nghề lại thiếu số lượng giáo viên còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cả 2 trung tâm cùng có chức năng liên kết đào tạo nên hoạt động trên cùng địa bàn sẽ gây chồng chéo dễ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến công tác giáo dục và đào tạo ở địa phương. Từ những hạn chế, bất cập trên, việc hợp nhất 2 trung tâm là việc làm cần thiết, cấp bách tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, vừa đẩy mạnh lĩnh vực giáo dục thường xuyên tiến tới xây dựng xã hội học tập.

Còn huyện Điện Biên đặc thù khác hơn. Vì không có Trung tâm Dạy nghề và nên huyện không phải thực hiện sáp nhập nhưng vì chất lượng nguồn nhân lực địa phương còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện thấp (khoảng 32% số lao động trong độ tuổi) nên huyện rất cần có Trung tâm Dạy nghề và Hướng nghiệp để chủ động đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, do địa bàn huyện nằm tiếp giáp với TP. Điện Biên Phủ và gần các cơ sở giáo dục, đào tạo của tỉnh, nếu thành lập thêm 2 trung tâm nêu trên là không thực sự cần thiết. Do đó, việc tổ chức lại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và bổ sung thêm chức năng đào tạo nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp là phương án khả thi hơn cả.

Tuy nhiên quá trình triển khai Đề án Sáp nhập các trung tâm công lập lại phát sinh một số vướng mắc. Ông Hà Quang Minh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dạy nghề (Sở LĐ - TB & XH), cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng Đề án, các huyện, thị xã đã đảm bảo thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đó là không bổ sung biên chế trong thời gian xây dựng và quá trình phê duyệt Đề án. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập phải có phương án sắp xếp hoặc có kế hoạch đào tạo lại sao cho phù hợp với yêu cầu vị trí, việc làm của giáo viên và người lao động nhưng vẫn còn lúng túng. Ngoài ra, do đặc thù cơ chế hoạt động mỗi trung tâm đều do một sở quản lý riêng (Sở LĐ - TB & XH và Sở GD - ĐT) nên sự chỉ đạo tập trung, thống nhất sẽ khó khăn. Theo mô hình cũ, cán bộ quản lý, giáo viên thuộc trung tâm giáo dục thường xuyên được hưởng phụ cấp đứng lớp trong khi đó một số cán bộ, giáo viên trung tâm dạy nghề lại chưa được hưởng chế độ này. Do vậy mà đến nay đề án sáp nhập đã hoàn thiện song chế độ, chính sách của giáo viên vẫn chưa có sự đồng nhất.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top