Huổi Khon ngày trở lại

08:51 - Thứ Năm, 29/12/2016 Lượt xem: 4069 In bài viết
ĐBP - Khi sương sớm còn giăng đầy trên núi, từ Đồn Biên phòng Nậm Kè chúng tôi vào đến "đồi thiêng" Huổi Khon thuộc bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. Hơn 5 năm trước, Huổi Khon là cái tên xuất hiện dày đặc trên các báo cả trong nước và quốc tế. Nó nổi tiếng từ một câu chuyện hoang đường: tại ngọn đồi thiêng bên suối “hòn đá lớn sẽ hóa thành con trâu, con bò; hòn đá nhỏ sẽ hóa thành con lợn…”. Vì thế đã khiến cho hàng nghìn người bỏ nhà, bỏ ruộng từ khắp nơi về đây để được đấng siêu nhiên truyền cho phép lạ. Sau khi vỡ mộng, những người Mông di cư đã trở về nhà, còn người dân Huổi Khon thì được chính quyền giúp đỡ cho vay vốn xóa đói giảm nghèo. Tất cả các hộ trong bản đều được trợ giúp như nhau, kể cả những người từng “nhẹ dạ cả tin” nghe theo kẻ xấu. Chính vì vậy mà những năm gần đây, diện mạo của Huổi Khon đã dần khởi sắc.

Bên bếp lửa ấm cúng, ông trưởng bản Sùng A Kỷ chia sẻ: Mấy năm qua, cả bản không có người tự đến và đi như trước nữa, các hộ đều yên tâm làm ăn. Ngoài canh tác những cây nông nghiệp truyền thống thì hiện nay đã có một số hộ khai hoang, cải tạo đất để trồng cây cà phê, cây chít và bước đầu đã cho thu nhập. Nếu tính theo tiêu chí mới thì 100% hộ dân trong bản đều thuộc diện nghèo, không còn hộ đói như trước kia nữa. Gia đình trưởng bản Kỷ có 7 khẩu, mỗi năm thu trên 1 tấn thóc, chưa kể các loại cây lương thực khác. Khi tôi hỏi bây giờ có còn ai tin vào "pháp thuật hoang đường" nữa không, ông Kỷ cười: "Không tin đâu chứ! Mình phải tự làm ăn thôi, cái đầu thông rồi chỉ có cán bộ và Nhà nước mới tạo điều kiện, quan tâm cho mình no ấm và hạnh phúc thôi". Đưa bát nước lên nhấp một hớp rồi ông lại nói: Tổ tiên người Mông có câu “Tiền bạc trên đá, không làm vất vả thì không có tiền”. Hòn đá, mảnh đất chỉ có thể biến thành đồng tiền, vàng bạc khi có sự cần cù chịu khó và sáng tạo của con người chứ tự thân nó không thể biến thành của cải được…

 

Một góc bản Huổi Khon.

Những năm qua, nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như 135, 167… mà nay đa số các hộ đã có nhà “3 cứng”. Đàn gia súc cũng phát triển nhanh nhờ chương trình hỗ trợ nuôi sinh sản luân chuyển giữa các hộ dân. Con đường đất độc đạo, hiểm trở treo trên vách núi nằm song song với dòng Nậm Nhé đến nay đã được trải bê tông phẳng phiu chứ không như năm 2011 trơn trượt, lầy lội. Trước kia, để vào được bản chúng tôi phải bỏ lại xe máy, xắn quần lội qua khe Nậm Pang. Nay đã khác, đường rộng, cầu bê tông kiên cố, kể cả khi trời mưa người dân vẫn phóng xe máy vào tận bản. Bên kia cầu là hàng quán bán đủ các loại hàng tạp hóa, từ quần áo, vải vóc cho đến nồi niêu, cuốc cày, bánh kẹo… Các điểm trường cũng đã được xây dựng đón 100% trẻ em trong độ tuổi đến lớp. Bên hiên nhà, những người phụ nữ Mông say sưa chọn vải để may cho mình những bộ cánh đẹp nhất khi xuân đang đến gần. Những đứa trẻ trong trang phục sặc sỡ chạy nhảy khắp các con dốc, những tiếng cười đùa giòn tan trong nắng sớm.

Để có được cuộc sống bình yên như hôm nay, người dân Huổi Khon đều ghi nhận và biết ơn sự giúp đỡ tận tình của những người lính biên phòng. Các anh đã âm thầm “3 bám, 4 cùng” với người dân. Bên bếp lửa mỗi ngày, người chiến sỹ biên phòng và người dân đều cùng nhau uống bát nước lá rừng, cùng bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy con cái tình cảm thân mật gần gũi như anh em trong nhà.

 

Phụ nữ Huổi Khon chọn vải may áo mới.

Thiếu tá Khuất Anh Tuấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nậm Kè, tâm sự: Để tuyên truyền chủ trương, chính sách đến với người dân hiệu quả, chúng tôi luôn tâm niệm phải đặt mình vào vị trí của người dân, coi mình như người con của bản thì mới được đồng bào yêu mến, tin tưởng. Bản Huổi Khon cách đồn biên phòng tới gần chục ki lô mét nhưng lúc nào bà con cần là các anh sẵn sàng có mặt. Mỗi khi bà con có việc khúc mắc hay muốn hỏi về chính sách, pháp luật thì cứ tìm bộ đội biên phòng là sẽ được giải đáp thấu đáo. Đồn còn nhiều lần phối hợp với các đơn vị chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Tuyên truyền để nhân dân ăn uống hợp vệ sinh, cùng dân bản phát dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khuôn viên trường lớp học. Các anh cũng nhiệt tình góp công, góp sức để cùng người dân dựng những ngôi nhà mới hay sửa chữa, cải tạo nhà cũ. Nhờ đó, tình quân dân giữa Đồn Biên phòng Nậm Kè và bà con ở Huổi Khon ngày càng thêm gắn bó.

Trong cái nắng ấm áp của mùa đông, chúng tôi trở về Đồn với một niềm vui lâng lâng khó tả. Bên ấm trà nóng, Đại úy Nguyễn Văn Thưởng, Đồn phó Đồn Nậm Kè vui vẻ nói: Từ năm 2011 đến nay, Huổi Khon luôn là địa điểm được nhiều người quan tâm. Có nhiều nhóm từ thiện chọn Huổi Khon là nơi để sẻ chia, giúp đỡ. Hiện nay có 6 điểm trường tại các bản của xã Nậm Kè đã và đang được các tổ chức từ thiện hỗ trợ, xây dựng phòng học theo mô hình lắp ghép, trong đó có 2 điểm ở Huổi Khon. Chỉ mấy hôm nữa thôi, lại có một nhóm từ thiện lên đây để làm lễ khánh thành và bàn giao 2 công trình lớp học. Cũng trong dịp đó, đồn biên phòng cùng với nhóm từ thiện sẽ tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ và phát quà cho các cháu học sinh. Sự kiện ấy lại càng có ý nghĩa hơn khi đồng bào Huổi Khon đang phấn khởi chuẩn bị đón xuân Đinh Dậu.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top