Những “cây đại thụ” nơi vùng cao, biên giới

09:05 - Thứ Năm, 29/12/2016 Lượt xem: 7660 In bài viết
ĐBP - Cán bộ các cấp, ngành lên vùng cao công tác thường truyền nhau kinh nghiệm: Muốn tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách đến người dân đạt hiệu quả thì đầu tiên phải thuyết phục được người có uy tín của bản. Khi người có uy tín vận động thì người dân nào cũng nghe và làm theo. Ở các bản làng vùng cao, biên giới, người có uy tín như “cây đại thụ”, là trung tâm đoàn kết, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Ông Lỳ Xuyến Phù (dân tộc Hà Nhì), bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, năm nay 59 tuổi, có kinh nghiệm 31 năm là cán bộ, lãnh đạo xã Sín Thầu, gần 4 năm được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín của bản. Sín Thầu nằm ở khu vực ngã ba biên giới, vì vậy ông Lỳ Xuyến Phù luôn phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng A Pa Chải thường xuyên tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia, quy chế biên giới đất liền để nhân dân hiểu được chủ quyền biên giới quốc gia, từ đó nâng cao ý thức tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự khu dân cư. Bản thân ông Phù đã cung cấp hàng chục tin có giá trị như: Người ở nơi khác vào địa bàn khai thác lâm thổ sản, một số trường hợp vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê... Từ đó đã kịp thời ngăn chặn và giải quyết tốt các vấn đề xảy ra trong khu vực biên giới và địa bàn xã. Trong các buổi họp bản, ông thường tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách làm ăn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn tuyên truyền kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lôi kéo, dụ dỗ di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, các hoạt động phi pháp khác. Nhờ vậy, an ninh trật tự xã Sín Thầu nói chung, bản A Pa Chải nói riêng luôn đảm bảo, không có dân di cư tự do đi và đến, không có trường hợp vượt biên trái phép. Ông Phù chia sẻ: “Được người dân tin tưởng bầu chọn, tôi càng phải cố gắng hơn để xứng đáng với niềm tin ấy. Cố gắng đến khi nào không còn sức để bản làng luôn bình yên, no ấm”.

 

Ông Lỳ Xuyến Phù (bên phải) thường xuyên đến từng nhà dân thăm hỏi, động viên bà con phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự khu vực.

Cũng như ông Lỳ Xuyến Phù, ông Lý Lìn Siểu (dân tộc Dao) là người có tiếng nói, uy tín nhất bản Sín Chải 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ. Ông Siểu có nhiều năm làm Bí thư Chi bộ bản. Ông còn là người am hiểu văn hóa dân tộc Dao, các tập tục truyền thống của dân tộc, gìn giữ sách cổ và là người hiếm hoi còn viết được chữ Dao cổ, làm giấy dó truyền thống. Để bảo tồn nét đẹp văn hóa của tổ tiên, ông đã truyền dạy các nghi thức tế lễ và chữ Dao cổ cho nhiều người trẻ tuổi; thường xuyên nhắc nhở con cháu, bà con trong bản nhớ về cội nguồn, học hỏi những cái mới, loại bỏ hủ tục nhưng không để bị pha tạp bản sắc dân tộc. Nhờ có ông, thế hệ trẻ hiểu và yêu nét đẹp truyền thống của dân tộc mình hơn. Nhiều năm nay, Sín Chải 2 luôn là bản tiêu biểu trong gìn giữ văn hóa cổ truyền dân tộc Dao ở Nậm Pồ. Trước đây, nhận thức của bà con còn thấp, khi có cán bộ vào bản tuyên truyền, thấy người lạ, bà con còn dè chừng, không nghe. Nhưng ông Siểu chỉ nói một câu, cả bản đều tập trung đông đủ, lắng nghe và làm theo lời cán bộ. Người dân nơi đây kính trọng coi ông như người giữ linh hồn bản.

Người có uy tín không chỉ là điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số, là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ bình yên biên giới mà còn là những tấm gương về phát triển kinh tế tại địa phương, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc, như: Ông Vừ Dũng Khá (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo), ông Lò Văn Kẹo (xã Na Sang, huyện Mường Chà), ông Điêu Văn Vấn (phường Na Lay, TX. Mường Lay), bà Lò Thị Sâm (xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông)... Có những trường hợp cán bộ gặp nhiều khó khăn khi xuống cơ sở tuyên truyền vận động nhưng người có uy tín lại dễ dàng giải quyết bằng cái uy, sự thấu hiểu, gần gũi của mình.

Ông Mùa A Giang, Trưởng phòng Dân tộc - Tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh), khẳng định: Hiện toàn tỉnh có 1.474 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Hầu hết họ được bà con tín nhiệm bầu chọn liên tục trong nhiều năm liền. Nhiều người là cán bộ nghỉ hưu, già làng, nhiều người vẫn gánh những trọng trách, công việc quan trọng, như: trưởng bản, trưởng dòng họ, thầy thuốc, thầy cúng… Đầu tháng 12 vừa qua, tỉnh ta có 36 đại biểu đại diện cho người có uy tín trong toàn tỉnh được biểu dương trong Lễ Tuyên dương người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc. Họ là những người luôn đi đầu trong gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội… Thông qua các hoạt động của mình, lực lượng người có uy tín vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã thực sự trở thành “thủ lĩnh” dẫn dắt đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước đẩy lùi các tập tục sinh hoạt lạc hậu ra khỏi cộng đồng dân cư. Đội ngũ này đã và đang thực sự là chỗ dựa vững chắc của chính quyền cơ sở trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top