Xóa đói giảm nghèo

Là nhiệm vụ chính trị hàng đầu

08:51 - Thứ Năm, 05/01/2017 Lượt xem: 3626 In bài viết
ĐBP - Công tác xóa đói giảm nghèo cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị hàng đầu được Đảng, Nhà nước cũng như tỉnh ta đặc biệt quan tâm bởi khi người dân được cơm no, áo ấm thì tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, trật tự xã hội… được ổn định. 

Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh ta giảm đáng kể, giảm 3,2% so với năm 2015. Điều đó thể hiện nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành, đặc biệt là sự đồng thuận cùng chí hướng vươn lên thoát nghèo của người dân đã ngày càng cao.

 
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo bằng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều (chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020), năm 2015, tỉnh ta có tổng số 57.215/118.844 hộ thuộc diện nghèo, chiếm tỷ lệ 48,1%. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,2% so với năm 2015; tại các huyện 30a giảm gần 4%. Chuẩn nghèo mới có những đặc điểm mới, tập trung vào những đặc thù vốn là những “điểm yếu” ở khu vực vùng cao như Điện Biên, khiến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh tăng đột biến so với giai đoạn cũ. Tuy nhiên, với quyết tâm và sự nỗ lực, các cấp chính quyền thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân. Mục tiêu giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Qua công tác tuyên truyền, vận động, người nghèo đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình và chủ động tiếp nhận các chính sách, có ý thức tự vươn lên để hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Từ đó, nhiều hộ chí thú làm ăn, chủ động vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, quản lý, sử dụng nguồn vốn, phương tiện được hỗ trợ mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cuộc sống. Cuộc vận động Ngày Vì người nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với các ban ngành, đoàn thể, địa phương… đã thu hút đông đảo sự quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ của cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Đặc biệt, sự đóng góp của người dân dưới nhiều hình thức như: góp ngày công lao động, tiền mặt, quà… đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo.

 

Nông dân xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng thu hoạch cà phê.

Ngoài sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền thì việc tập trung đồng bộ các giải pháp, chính sách giảm nghèo đã giúp số hộ nghèo, cận nghèo giảm nhanh, bền vững. Trong đó, các chính sách như dạy nghề, tạo việc làm, truyền thông, tập huấn cho người nghèo… đã nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo; đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu… Các chương trình dự án hỗ trợ giảm nghèo cho người dân được thực hiện hiệu quả với 10.656 hộ được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất, máy móc công cụ, phân bón; 8 mô hình phát triển sản xuất hỗ trợ xây dựng, 624 máy móc, thiết bị hỗ trợ cho các nhóm hộ; 245.537 khẩu được hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.126 hộ; hỗ trợ thêm kinh phí làm chuồng trại... Những con số “biết nói” ấy không chỉ minh chứng cho một quyết sách đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước mà còn thể hiện sự chung sức, chung lòng của chính quyền và nhân dân trên mặt trận giảm nghèo, mà đó còn là thành tích gặt hái được mà chương trình xóa đói giảm nghèo mang lại.

Mặc dù vậy, giai đoạn hiện nay vẫn có rất nhiều thách thức khi số hộ nghèo, cận nghèo tăng cao so với tiêu chí mới. Năm 2016, tuy đã giảm 3,2% (so với năm 2015), song số hộ nghèo vẫn còn ở mức cao 44,94%. Qua điều tra cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo còn cao do mức thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo ở mức rất cao. Theo thống kê, hộ nghèo ở Điện Biên tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, khu vực vùng cao biên giới với tỷ lệ 98,42% và đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 98,48%. Đây là số liệu không khó lý giải bởi ở vùng cao, ngoài yếu tố về xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, trình độ dân trí hạn chế thì còn một bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại vào chính sách, trong khi hạ tầng còn thiếu, giao thông xa xôi, hiểm trở. Cụ thể, qua khảo sát, toàn tỉnh có đến 39% hộ nghèo ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà ở dột nát; 50% hộ nghèo ở nhà bình quân dưới 8m2/người; 36% hộ nghèo không sử dụng tivi, radio, máy tính, không được nghe hệ thống loa đài truyền thanh thôn, xã do ở quá xa trung tâm. Đặc biệt, có đến 87% không có nhà tiêu hợp vệ sinh hoặc không có nhà vệ sinh. Đó chính là những “điểm yếu” khiến tỷ lệ hộ nghèo ở vùng cao tăng mạnh khi áp dụng chuẩn nghèo mới.

Với thực tế trên, quan điểm chỉ đạo chung, có tính xuyên suốt của tỉnh là lồng ghép giữa các chương trình, dự án, chính sách để thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội, chia sẻ: Thời gian tới, ngành sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao; phát huy nội lực tạo ra nếp nghĩ, cách làm mới. Để công tác giảm nghèo nhanh và thực sự bền vững thì quá trình thực hiện chủ trương giảm nghèo cần chú trọng nâng cao chất lượng sống cho người dân một cách toàn diện, hướng cộng đồng, nhất là đồng bào vùng cao, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, ngoài việc nghiên cứu, triển khai những chủ trương đầu tư một cách khoa học, đồng bộ, có sự giám sát chặt chẽ; áp dụng có hiệu quả các chính sách sinh kế mang tính bền vững thì nâng cao dân trí, mở rộng quy mô các dịch vụ xã hội là điều rất cần thiết.

Giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,73%/năm; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4 - 5%/năm. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 14,3% vào năm 2020; các huyện nghèo diện 30a giảm còn 18,5%; 30% số xã cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được quanh năm, 100% đường huyện và 50% đường cấp xã được cứng hóa… công tác giảm nghèo vẫn còn rất nhiều thách thức.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top