Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Hướng đi bền vững cho người lao động

08:49 - Thứ Năm, 12/01/2017 Lượt xem: 5209 In bài viết
ĐBP - Năm 2016, toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho 7.895 lao động nông thôn, đạt 98,69% kế hoạch năm; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ gần 29,5% (năm 2010) lên 46,3 (năm 2016), trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 14,7% (năm 2010) lên 26,2% (năm 2016). Kết quả đó là khẳng định nỗ lực của tỉnh trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hiệu quả từ công tác đào tạo nghề đem lại.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 cơ sở dạy nghề: 1 trường cao đẳng nghề, 8 trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện (Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên Đông, Mường Lay, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Nhé, Nậm Pồ) và 4 đơn vị có tham gia hoạt động dạy nghề. Triển khai thực hiện Đề án 1956, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân về vai trò quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đối với phát triển nguồn nhân lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

 

Học viên tham gia lớp đào tạo sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng nghề Điện Biên.

Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang ý nghĩa chiến lược lâu dài, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 7.895 người, đạt 98,69% kế hoạch năm. Trong đó chủ yếu là các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp. Trong đó, LĐNT được đào tạo nghề thuộc nhóm nghề nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Tỷ lệ học viên có việc làm sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ước đạt từ 71-75%; tập trung ở nhóm nghề nông nghiệp với mức thu nhập bình quân từ 1,2-1,3 triệu đồng/người/tháng.

Tại các địa bàn tái định cư như TX. Mường Lay, ngoài đào tạo nghề nông nghiệp, chính quyền địa phương còn chú trọng dạy nghề nhóm phi nông nghiệp, như: Kỹ thuật lắp đặt, sửa chữa điện nước sinh hoạt. Với huyện Tủa Chùa thì chú trọng xây dựng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm chuyển dịch dần lực lượng lao động nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa và phi nông nghiệp, đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới. Căn cứ đặc thù địa phương, huyện mở các lớp đào tạo nghề, như: Kỹ thuật sử dụng máy tính, may mặc, sửa chữa xe máy, kỹ thuật trồng và quản lý bệnh hại trên cây chè, kỹ thuật sản xuất rau an toàn, kỹ thuật trồng rừng... Đánh giá chung trong số lao động nông thôn đã được học nghề năm 2016 toàn tỉnh có 216 người được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhận vào làm việc (chiếm tỷ lệ 5,5%); 47 người tham gia các tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã (chiếm tỷ lệ 1,2%); số còn lại 3.659 người hiện tiếp tục làm nghề cũ với năng suất và thu nhập cao hơn trước (chiếm tỷ lệ 93,3%) số người có việc làm sau khi học nghề.

Nhiều lao động sau khi học nghề đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng mô hình phát triển sản xuất. Lao động nông thôn đăng ký học nghề đều xuất phát từ nhu cầu, mong đợi của họ, giáo viên tận tình hướng dẫn theo phương pháp cầm tay chỉ việc, thành thạo kỹ năng này mới chuyển sang kỹ năng khác nên thu hút được người học. Sau đào tạo, học viên đã biết áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt theo hướng mở rộng quy mô, vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường. Tiêu biểu như chị Lù Thị Điều (bản Mé, xã Lay Nưa, TX. Mường Lay) sau khi được học lớp kỹ thuật chăn nuôi, chị đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi lợn theo quy trình khép kín, mỗi tháng gia đình có nguồn thu nhập ổn định khoảng 5 triệu đồng.

Theo kế hoạch, năm 2017 tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 8.000 LĐNT, tạo việc làm mới cho 8.550 LĐNT. Để công tác đào tạo nghề cho lao động hiệu quả Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xác định, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm đối với người lao động và coi là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về dạy nghề cho LĐNT. Ngoài việc rèn luyện kỹ năng nghề cho người học, các cơ sở đào tạo cũng quan tâm đến nhu cầu của người lao động và nhu cầu của xã hội, trang bị cho người học kiến thức về an toàn lao động, nhằm tạo được sức hút đối với lao động tại các vùng nông thôn. Trong đó, chú trọng mở rộng quy mô và hình thức dạy nghề đối với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: xây dựng, chế biến gỗ, chế biến nông sản, hướng dẫn du lịch, nhà hàng khách sạn, cơ khí sửa chữa. Ngành cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề, cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong việc đào tạo, liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo để người học nghề yên tâm trong thời gian đào tạo, có việc làm và thu nhập ổn định sau đào tạo nghề.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top