Quy định xử phạt xe không chính chủ:

Không xử phạt người mượn xe

09:20 - Thứ Tư, 08/02/2017 Lượt xem: 5801 In bài viết
ĐBP - Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016, quy định từ ngày 1/1/2017, nếu các chủ phương tiện không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 400.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô. 

Tuy nhiên, qua những ngày đầu thực hiện, nhiều người dân vẫn băn khoăn về các quy định bị xử phạt tại Nghị định này, như: trường hợp như thế nào sẽ bị phạt; đi xe mượn có bị phạt hay không... Đây là vấn đề được người dân hết sức quan tâm bởi xe máy là phương tiện lưu thông chủ yếu hàng ngày.

 
Anh Hoàng Văn Nam, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ, băn khoăn: “Gia đình có 1 chiếc xe máy, đăng ký tên tôi. Thế nhưng vợ tôi thường xuyên sử dụng để đi lại. Tài sản sở hữu chung của vợ chồng nhưng đứng tên một người, người kia sử dụng không biết có bị phạt không”. Cùng chung nỗi lo, chị Lê Thị Quỳnh, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ, nói: Tôi thường mượn xe máy của chồng đi làm, đăng ký xe máy hiện đứng tên chồng tôi. Chẳng lẽ tôi phải đi làm thủ tục chuyển tên chồng thành tên mình, nếu không muốn bị phạt.

 

Người dân đăng ký quyền sở hữu phương tiện tại Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh). Ảnh: Văn Tâm

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Trần Văn Vang, Phó phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), khẳng định: “Không có quy định nào xử phạt người đi mượn xe. Trong một nhà, vợ, chồng, con cái đi xe của nhau là hết sức bình thường, chỉ cần cầm đăng ký đi là được. Việc chứng minh xe là của bố mẹ, anh chị cũng rất đơn giản. Thời gian tới, hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân bằng điện tử đầy đủ thì kiểm tra cũng rất dễ dàng. Do đó, người đi xe mượn sẽ không bị phạt. Ví dụ, vợ chồng có 1 chiếc xe máy nhưng giấy tờ đứng tên vợ. Người chồng sử dụng xe máy của vợ là việc bình thường, không luật nào cấm và chồng sẽ không bị phạt. Tương tự trường hợp mượn xe của bạn, đồng nghiệp hay xe đi thuê đều không bị xử phạt về lỗi sang tên đổi chủ”. Tuy nhiên, trong trường hợp di sản thừa kế, bố, mẹ cho hẳn con cái… thì phải sang tên theo đúng quy định. Như vậy, quy định này áp dụng đối tượng là chủ phương tiện khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản mà không tiến hành thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định, chứ không phải là người điều khiển phương tiện.

Cũng theo ông Vang, hiện nay, việc xử phạt đối với hành vi xe mô tô, xe gắn máy không sang tên đổi chủ mới chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và trong công tác đăng ký xe. Giả sử, người điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, nếu cảnh sát giao thông kiểm tra phát hiện chiếc xe mua bán qua nhiều lần, quá thời gian không sang tên đổi, chủ xe sẽ bị phạt thêm lỗi xe không sang tên, đổi chủ. Còn khi xe đang tham gia giao thông, không vi phạm lỗi gì thì lực lượng cảnh sát giao thông không được dừng xe để kiểm tra việc không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.

Tâm lý nhiều người cũng lo lắng do xe mua từ lâu, qua nhiều chủ xe nên rất khó tìm được người đứng tên trên giấy tờ xe để làm thủ tục sang tên. Việc xử phạt đối với hành vi này chỉ là biện pháp nhất thời, chứ chưa giải quyết được “cái gốc” của vấn đề là đảm bảo cho người dân phải thực hiện đúng việc sang tên đổi chủ khi mua, bán, tặng, cho xe... Trên thực tế, thủ tục về đăng ký, sang tên xe đã được quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an. Thông tư quy định cụ thể về trường hợp giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người. Tuy nhiên, hiện nay việc đăng ký xe phải có xác nhận của công an nơi thường trú nên thủ tục vẫn khá phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí. Nhiều ý kiến cho rằng để khuyến khích người dân đăng ký quyền sở hữu, sang tên xe thì các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét, có quy định phù hợp hơn. Chẳng hạn bỏ thủ tục xác nhận ở cơ quan công an cấp xã nơi thường trú, mà chỉ cần tự cam kết hoặc chứng minh bằng văn bản, giấy tờ khác. Ngoài ra, người tạm trú dài hạn ở tỉnh, thành phố cũng được giải quyết đăng ký, sang tên xe trong phạm vi tỉnh, thành phố đó.

Việc quy định người dân phải làm thủ tục sang tên đổi chủ đối với phương tiện là hoàn toàn phù hợp. Điều này không chỉ giúp lực lượng chức năng thuận lợi trong công tác điều tra mà còn góp phần bảo vệ tài sản, quyền lợi của người dân khi có va chạm, tai nạn hay xảy ra tranh chấp. Mặc dù quy định bắt đầu xử phạt từ đầu năm 2017, song theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện xử phạt đối với lỗi đi xe không chính chủ, mà chỉ mới tập trung thực hiện trên tinh thần tuyên truyền, nhắc nhở để người dân có ý thức tự giác chấp hành.

Phong Vân
Bình luận
Back To Top