Báo động tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê

15:32 - Thứ Sáu, 10/02/2017 Lượt xem: 7230 In bài viết
ĐBP - Ba năm trở lại đây, tình trạng công dân tỉnh Điện Biên xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê liên tục gia tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã phát hiện 1.252 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động làm thuê và kết hôn bất hợp pháp. Việc làm phổ thông tại Trung Quốc chủ yếu là chăm sóc cây trồng, thu hoạch nông sản, bốc vác, phụ xây… với mức thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng (quy đổi ra tiền Việt Nam).

Việc người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê và kết hôn bất hợp pháp không được Nhà nước bảo hộ, bị cơ quan chức năng bắt giữ và xử lý. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khác như: làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, bị bóc lột sức lao động, bị quỵt tiền công vì người lao động không có giấy tờ hợp pháp, hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, xâm hại tình dục, mua bán người… Tuy nhiên, do nhận thức hạn chế, hám lợi trước mắt của một bộ phận người lao động phổ thông vùng biên giới nên tình trạng trên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp. Những người xuất cảnh trái phép thường xuất cảnh theo 2 hướng chính: Số lao động phổ thông người Mông, người Hoa (Xạ Phang) thường đi qua các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, nơi họ còn người thân, người quen và dựa vào họ để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; số lao động phổ thông người Thái, Kinh thường xuất cảnh trái phép qua đường Lạng Sơn, Quảng Ninh đến làm việc tại các công ty, xí nghiệp, xưởng sản xuất các mặt hàng tiêu dùng tại tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông (Trung Quốc). Số lao động qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc tỉnh Điện Biên quản lý rất ít, chủ yếu là người Mông ở huyện Mường Nhé đi qua khu vực lối mở A Pa Chải - Long Phú.

Cán bộ Đồn Công an Búng Lao, huyện Mường Ảng xuống cơ sở nắm bắt tình hình ANTT trên địa bàn. Ảnh: Thu Hằng

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng xuất cảnh trái phép đi Trung Quốc làm thuê ngày càng tăng trên địa bàn tỉnh là do ở địa phương thiếu việc làm, nhất là trong thời gian nông nhàn, người dân tranh thủ tìm việc làm tăng thu nhập; trong khi công tác hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng lao động phổ thông tại Trung Quốc rất lớn, giá công lao động được trả cao hơn so với cùng một công việc ở Việt Nam; thu nhập trung bình quy đổi được khoảng từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày, hình thức thanh toán đơn giản. Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động có triển khai thực hiện, song chưa đồng bộ, chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Tuyến biên giới có địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, chưa hiểu các quy định về xuất nhập cảnh và xuất khẩu lao động; công tác quản lý dân cư của chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế; lực lượng chức năng làm công tác quản lý, tuần tra biên giới còn thiếu nên chưa ngăn chặn hiệu quả việc người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng chức năng, công an các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê; thường xuyên rà soát, thống kê số liệu xuất cảnh trái phép đi lao động làm thuê, đưa ra kiểm điểm trước dân những người có hành vi xuất cảnh trái phép. Phối hợp chính quyền địa phương tổ chức họp dân tại 103 bản, với 6.033 lượt người tham gia, để tuyên truyền vận động, phòng ngừa hoạt động xuất cảnh trái phép đi Trung Quốc lao động làm thuê; tổ chức xác minh 396 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc quay về địa bàn; qua xác minh, đã lập hồ sơ, xử lý hành chính 20 đối tượng về hành vi xuất cảnh trái phép, khởi tố 8 vụ, 10 bị can về hành vi tổ chức người khác trốn ra nước ngoài.

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, sự chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh; triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, quan tâm giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, tăng cường và thực hiện hiệu quả công tác xuất khẩu lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ có kế hoạch tổ chức hội đàm với ngành chức năng của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, bàn về vấn đề hợp tác xuất khẩu lao động phổ thông, khi "Thỏa thuận nguyên tắc về quản lý lao động phổ thông vùng biên giới với Trung Quốc" được ký kết; tạo hành lang pháp lý cần thiết và các điều kiện thuận lợi cho người dân được cấp giấy tờ hợp pháp khi ra nước ngoài lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động phổ thông được làm việc hợp pháp, được bảo hộ và có thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội; phối hợp với công an các tỉnh biên giới Việt - Trung, tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong hợp tác với các địa phương của Trung Quốc về thỏa thuận quản lý lao động phổ thông vùng biên giới 2 nước.

Bùi Đức Phúc (Công an tỉnh)
Bình luận
Back To Top