Thơm thảo tấm lòng

17:09 - Thứ Sáu, 17/02/2017 Lượt xem: 5642 In bài viết
ĐBP - Mừng thọ là nét đẹp văn hóa của dân tộc ta, là truyền thống kính lão đắc thọ thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với bậc sinh thành. Ra xuân ở nhiều xã, phường và gia đình, dòng họ trên địa bàn tỉnh ta lại tổ chức mừng thọ trang trọng, đầm ấm cho các bậc cao niên, ông bà, cha mẹ.

Ngày rằm tháng giêng được UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cùng Hội Người cao tuổi xã chọn tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ trên địa bàn. Gần 8 giờ sáng, chương trình chuẩn bị bắt đầu, các gia đình đủ thế hệ cùng nhau đưa ông bà, cha mẹ mình đến dự. Năm nay, xã Thanh Hưng có 19 cụ 70 tuổi, 30 cụ 80 tuổi được chúc thọ. Từ sớm cả hội trường đã rất đông vui, có đầy đủ ban lãnh đạo xã, các đoàn thể, các cụ ông, cụ bà và con cháu trong nhà. Mở màn là các tiết mục văn nghệ, rồi màn biểu diễn thể dục dưỡng sinh do chính các cụ là người cao tuổi trong xã thể hiện. Sau phần giới thiệu, ôn lại truyền thống đạo lý kính lão, trọng già; ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của người cao tuổi trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của xã là phần chúc thọ, tặng quà. Cụ Vì Văn Đôi, đội 14, năm nay tròn 80 tuổi, được các con đưa đến lễ mừng thọ từ rất sớm. Luôn nở nụ cười, cụ chia sẻ: Ở cái tuổi xưa nay hiếm rồi mà vẫn được vui vầy bên con cháu, lại còn được chính quyền địa phương quan tâm, thăm hỏi, tổ chức mừng thọ, đến đây còn gặp bao ông bà cùng tuổi, quen biết một thời, đúng là không còn gì hạnh phúc hơn. Sau buổi chúc thọ chung ở ủy ban xã, nhiều gia đình con cháu còn quây quần làm mâm cơm dâng lên tổ tiên, chia vui với người cụ, người ông, người cha trong gia đình.

 

Lãnh đạo phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ trao giấy mừng thọ các cụ tròn 90 tuổi. Ảnh: Văn Quyết

Trong tâm thức người Việt, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có phúc lớn. Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc ấy. Thông thường, 70 tuổi trở lên gọi là trung thọ, 80 tuổi là thượng thọ, 90 tuổi là đại thọ, 100 tuổi trở lên là vạn thọ. Thế nên, mừng thọ ngày xuân không chỉ góp phần mang niềm vui đón tết trọn vẹn đến với người cao tuổi, gắn kết tình làng nghĩa xóm mà qua đó còn giáo dục thế hệ trẻ về cách đối nhân xử thế, hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ. Nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền nên nhiều năm gần đây, không chỉ các phường, xã vùng thấp, có điều kiện kinh tế khá mới tổ chức chúc thọ người cao tuổi mà tất cả các địa phương, dù vùng sâu vùng xa cũng đều trang trọng tổ chức chúc thọ những người sang tuổi xưa nay hiếm, bắt đầu từ tết nguyên đán đến rằm tháng giêng hoặc hết tháng 1 âm lịch. Tại buổi lễ, các cụ được lãnh đạo chính quyền địa phương, hội người cao tuổi, bà con lối xóm đến chúc mừng, chia vui, tặng quà.

Việc tổ chức mừng thọ được chuẩn bị chu đáo từ trước tết, thường do hội người cao tuổi tham mưu, chủ trì, UBND xã, phường cấp kinh phí, phối hợp tổ chức. Với chức năng là tổ chức của người cao tuổi trong tỉnh, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội trên địa bàn quan tâm chăm lo, thăm hỏi người cao tuổi, thực hiện thống kê, rà soát danh sách người cao tuổi để tham mưu kế hoạch tổ chức lễ mừng thọ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi địa phương. Ông Lê Văn Chế, Phó Trưởng ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các cơ sở hội đã hoàn thành việc tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho người cao tuổi một cách trang trọng mà đầm ấm, ý nghĩa. Chưa có thống kê đầy đủ về số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh ta được tổ chức mừng thọ dịp đầu năm 2017 này nhưng riêng cụ tròn 90 tuổi có 269 người, 100 tuổi có 77 người. Hoạt động này ngày càng được quan tâm và nhân rộng mang đến nhiều niềm vui, động viên người cao tuổi thêm an yên tuổi già, cống hiến trí tuệ, truyền kinh nghiệm sống cho xã hội, thế hệ đi sau, đồng thời thể hiện đạo lý “kính lão đắc thọ” của dân tộc luôn được gìn giữ, giá trị truyền thống vẫn luôn được trân trọng.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top