Phát huy vai trò tổ chức đoàn cùng thanh niên lập nghiệp

09:22 - Thứ Tư, 22/03/2017 Lượt xem: 8279 In bài viết
ĐBP - Song song với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN), thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn trực thuộc phát huy vai trò trong định hướng, hỗ trợ điều kiện sản xuất cho ĐVTN, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Chú trọng việc tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc, thanh niên yếu thế; đẩy mạnh việc giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên vùng sâu, vùng xa…

Từ 2016 đến nay, Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách pháp luật về xuất khẩu lao động, việc làm cho 400 lượt ĐVTN tại 2 huyện Mường Ảng và Tủa Chùa. Đoàn các cấp tổ chức 16 buổi tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho trên 1.000 ĐVTN… Cụ thể, Huyện đoàn Điện Biên tổ chức tư vấn về xuất khẩu lao động, tìm kiếm việc làm và tổ chức tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm mô hình phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng, cho gần 100 ĐVTN; Đoàn trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tư vấn việc làm cho 145 đoàn viên…

 

Nhờ được đầu tư vốn, nhiều ĐVTN có điều kiện mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Để đẩy mạnh phong trào xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả trong ĐVTN, tổ chức Đoàn các cấp thường xuyên phối hợp triển khai các đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; đồng thời, tổ chức đoàn cũng có nhiều hoạt động đồng hành, giúp đỡ ĐVTN phát triển kinh tế, như: Tạo điều kiện cho ĐVTN tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả và tiếp cận những nguồn vốn vay...

Từ những việc làm thiết thực, nhiều đoàn viên, thanh niên nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều mô hình kinh tế được đầu tư mở rộng về quy mô sản xuất thu hút lao động tham gia, tạo việc làm và tăng thu nhập cho ĐVTN. Hiện nay, tổng dư nợ ủy thác do đoàn thanh niên quản lý là 528,4 tỷ đồng. Có 121 đoàn xã nhận ủy thác, 554 tổ tiết kiệm và vay vốn với 19.028 hộ vay vốn còn dư nợ. Hiện nay toàn tỉnh có 108 mô hình kinh tế của thanh niên. Các hoạt động tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất được đẩy mạnh; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 170 đoàn viên, thanh niên.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn chỉ đạo sát sao việc cho vay đối với Dự án Quỹ quốc gia về việc làm, giải ngân cho 3 dự án (sản xuất kinh doanh lương thực; chăn nuôi lợn sinh sản; chăn nuôi trâu, bò) với tổng nguồn vốn là 277 triệu đồng. Anh Vũ Văn Bình, đội 5, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên là một trong những đoàn viên năng động trong phong trào phát triển kinh tế của Đoàn Thanh niên xã. Năm 2014, nhờ được tổ chức Đoàn tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình kinh tế cũng như hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, anh đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, ao cá, đồng thời  mở cửa hàng kinh doanh lương thực. Mỗi năm gia đình anh thu mua và bán ra thị trường trên 200 tấn thóc gạo, kết hợp nuôi 5 con lợn nái và 40 - 50 lợn thịt cùng  1.500m2 ao cá. Mô hình kinh tế của anh Bình trừ chi phí, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 2 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Huyện đoàn Mường Ảng, một trong những đơn vị thực hiện tốt phong trào đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp. Trao đổi về vấn đề định hướng và hỗ trợ ĐVTN trong phát triển kinh tế, chị Ngô Thị Hải Yến, Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết: Những năm qua Huyện đoàn luôn động viên, khuyến khích các ĐVTN xung kích trong phát triển kinh tế; tổ chức cho ĐVTN tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt; đồng thời hỗ trợ vốn cho ĐVTN trong toàn huyện xây dựng và mở rộng các gia trại phát triển sản xuất. Huyện đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế. Hiện nay, tổng số dư nợ ủy thác do Huyện đoàn quản lý 58.550 triệu đồng thuộc 50 tổ tiết kiệm và vay vốn với 2.626 thành viên trong đó số hộ ĐVTN là 1.200 hộ. Nhờ đó mà nhiều hộ ĐVTN vươn lên thoát nghèo với những mô hình kinh tế VAC, VACR… có thu nhập từ 50 đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Lò Văn Đức, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, cho biết: Thời gian qua, các cơ sở Đoàn không chỉ tạo điều kiện cho cho ĐVTN phát triển kinh tế, mà còn trang bị thêm kiến thức về công tác ủy thác cho cán bộ tổ chức hội, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng cấp và các hội đoàn thể tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ hội, đoàn thể. Từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức được 1 lớp cấp huyện với 61 người, cấp xã 53 lớp với 440 người; Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn 108 lớp với 2.963 người… Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng nguồn lao động là ĐVTN, Tỉnh đoàn tiếp tục phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm và tổ chức liên kết dạy nghề cho thanh niên nông thôn và phát huy hiệu quả các nguồn vốn ủy thác do đoàn thanh niên quản lý...

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top