Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Việc chẳng dễ

09:43 - Thứ Sáu, 31/03/2017 Lượt xem: 7128 In bài viết
ĐBP - Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, khoảng 75% lao động nông thôn (LĐNT) chọn nhóm ngành nông nghiệp để học nghề; dù mức thu nhập sau đào tạo còn khá khiêm tốn (bình quân 1,3 - 1,5 triệu đồng/người/tháng). Chúng tôi tìm đến nhiều mô hình dạy nghề tại các huyện và được nghe khá nhiều cách giải thích của cán bộ làm công tác dạy nghề ở các địa phương về thực tế này. Nhận định chung, đây là việc không dễ và phụ thuộc vào nhu cầu học của người dân; định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...

Ông Trần Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên, cho biết: Trong điều kiện hạn hẹp về kinh phí thực hiện cho công tác đào tạo nghề theo Đề án 1956, đơn vị thực hiện với mục tiêu có đến đâu thực hiện đến đó, song phải thiết thực, hiệu quả với người học. Chính vì vậy, căn cứ vào nhu cầu học nghề của người dân và kinh phí được phân bổ, năm 2016 huyện Điện Biên đã đào tạo nghề cho 650 LĐNT, phần lớn người lao động chọn học nhóm nghề nông nghiệp. Như hiểu băn khoăn của chúng tôi về vấn đề giải quyết việc làm cho số lao động này sau đào tạo, ông Bốn giải thích: Là huyện thuần nông thì vấn đề chọn nghề gì cho phù hợp đã được người dân quan tâm, cân nhắc trước khi đăng ký chứ không còn kiểu đi học lấy “chế độ” hỗ trợ như ngày trước. Thế nhưng thực tế, là huyện thuần nông thì đương nhiên bà con sẽ lựa chọn nhóm nghề nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản để học, vì dễ vận dụng vào phát triển sản xuất, làm kinh tế hộ chứ không phải vì dễ tạo việc làm mới - ông Bốn nhấn mạnh. Còn việc đo đếm hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội từ công tác đào tạo nghề cho LĐNT không thể tính theo cách đơn thuần là số lao động sau học nghề tự tạo việc làm bao nhiêu, mà cần xem xét toàn diện, tổng thể hơn. Đơn cử như, lao động học nghề kỹ thuật trồng trọt thì sau khi học nghề cách họ áp dụng kỹ thuật vào diện tích canh tác để tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đó. Tương tự khi học nghề kỹ thuật chăn nuôi và điều trị bệnh cho thủy cầm, gia cầm, gia súc thì việc áp dụng trong chăn nuôi hiệu quả ra sao? Hướng đến giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao năng suất trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế hộ, từ năm 2010 đến nay hơn 3.650 LĐNT trên địa bàn huyện Điện Biên đã được đào tạo nghề, đa phần là nhóm nghề nông nghiệp. Với cách đào tạo “cầm tay chỉ việc” lao động thuộc nhóm nghề này sau đào tạo đã phát huy được hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị sản xuất; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Tính đến cuối năm 2016, số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 25,58% (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều).

 

Nhờ tham gia lớp đào tạo nghề cho LĐNT về trồng trọt, nhiều nông dân huyện Điện Biên tận dụng tối đa diện tích để trồng rau. Ảnh: Mai Giáp

Chị Quàng Thị Lan, bản Na Ten, xã Pom Lót cho biết: Năm 2012, tôi được đào tạo nghề trồng trọt và nuôi trồng thủy sản do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức. Sau khi học nghề, gia đình đầu tư hơn 20 triệu đồng mở rộng quy mô chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và nuôi trồng thủy sản. Áp dụng kiến thức đã học vào việc lựa chọn con giống, tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho gà, vịt; chủ động phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên vật nuôi không mắc bệnh, quy mô đàn ngày càng phát triển. Đến nay, thu nhập từ chăn nuôi của gia đình chị Lan trung bình đạt hơn 40 triệu đồng/năm.

Tại Mường Lay, thị xã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và định hướng, tư vấn nghề nghiệp và đào tạo nghề cho người dân; riêng năm 2016 toàn thị xã đào tạo nghề cho 193 LĐNT; trong đó, có tới 172 trường hợp học nhóm nghề nông nghiệp (kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gà; kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm); 100% số lao động này đều tìm được việc làm phù hợp hoặc tự tạo việc làm cho thu nhập ổn định. Ông Nghiêm Văn Cầm, Phó Chủ tịch UBND TX. Mường Lay cho biết: Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, cùng với đào tạo nghề theo nhu cầu của người dân, thị xã hướng tới việc tổ chức các mô hình đào tạo theo từng nhóm nghề để triển khai nhân rộng. Trên cơ sở nhóm nghề đã được phê duyệt, năm 2017 thị xã sẽ xây dựng 2 mô hình điểm về nghề kỹ thuật chăn nuôi dê và kỹ thuật nuôi cá lăng chấm để nhân dân tham gia.

Với mục tiêu đào tạo nghề cho 8.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2017 lên 49,7%; việc nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả; khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo là một trong số nhóm giải pháp mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh hướng tới. Theo ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để làm được điều đó cần có sự hỗ trợ của chính quyền, sở, ngành liên quan để nhân rộng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm có hiệu quả, cụ thể là về nguồn vốn vay, lãi suất cho vay, hỗ trợ kinh phí để hướng dẫn kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm, đăng ký thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ một số cơ sở hạ tầng thiết yếu... Tiếp đến là xây dựng kế hoạch phát triển các mô hình phát triển sản xuất và dạy nghề sát hơn với nhu cầu thực tế tại địa phương. Thường xuyên cập nhật thông tin về cung cầu lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động để triển khai kế hoạch đầu tư dạy nghề gắn với mô hình sản xuất có hiệu quả.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top