Triển khai Kế hoạch 420/2017/KH-UBND của UBND tỉnh

Di cư tự do, nguyên nhân của nhiều nguyên nhân

08:47 - Thứ Bảy, 29/04/2017 Lượt xem: 8400 In bài viết

Kỳ 1: Mường Nhé ngoài... thực địa

ĐBP - Dịp này, quốc lộ 4H đi Mường Nhé đang được nâng cấp (thảm nhựa) đoạn từ km0+00 đến km47+00. Lẽ dĩ nhiên vào những thời điểm cụ thể trong những ngày nhất định, muốn hay không việc thi công của nhà thầu buộc phải “làm khó” ít nhiều cho những người tham gia giao thông trong thời gian tắc đường. Song việc nâng cao chất lượng của con đường, có cảm giác làm cho hai huyện Nậm Pồ và Mường Nhé như gần hơn... 

Ngay khi vừa đặt chân tới trung tâm huyện được ít phút, việc đầu tiên của mấy anh em chúng tôi là đặt lịch làm việc với Công an huyện Mường Nhé. Đại tá Nguyễn Ngọc Trường - Trưởng Công an huyện Mường Nhé - tiếp chúng tôi trong sự bận rộn đột xuất, do ông phải chỉ đạo xử lý vụ một nhóm người nước ngoài lưu lại quá thời hạn đăng ký và có những hành vi trái pháp luật tại địa bàn một số xã giáp biên. Sau chén trà uống vội, ông “bàn giao” chúng tôi cho người đồng sự, đó là thiếu tá Pờ Pờ Sơn - Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé. Thế nhưng chúng tôi lại “gặp may”, bởi lẽ với người làm báo, không gì mừng hơn khi được làm việc với người nắm giữ rất nhiều thông tin và nhất là sẵn sàng cung cấp trong phạm vi cho phép. Thiếu tá Pờ Pờ Sơn là người con chính gốc của dân tộc Hà Nhì, thân phụ của anh là một người rất thành danh trong ngành Tòa án - đó chính là thẩm phán Pờ Go Loòng, nguyên Chánh án TAND huyện Mường Nhé. Sinh ra và lớn lên ngay trên miền biên viễn này, nên có thể nói, thiếu tá Pờ Pờ Sơn “hiểu” địa bàn mà anh được giao quản lý như hiểu chính cuộc đời mình. Nói về những phức tạp trong công tác gìn giữ an ninh trật tự trong huyện, một trong những địa danh mà thiếu tá Pờ Pờ Sơn nhắc đến là bản Cà Là Pá, thuộc xã Leng Su Sìn. Bản Cà Là Pá được thành lập cách đây gần 10 năm, ban đầu chỉ vài chục hộ gia đình, nhưng nay bản có 271 hộ/1662 khẩu, sức ép về đất ở và đất sản xuất rất lớn, từ đó nhu cầu về chia tách, thành lập bản mới cũng “nóng” theo.

 

Người dân di cư tự do vào địa bàn huyện Mường Nhé, trong một đợt trao trả về nơi xuất cư. Ảnh: Hữu Thiêm

Mang theo những thông tin về bản Cà Là Pá, chúng tôi có buổi làm việc với ông Lù Văn Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé. Ông Lù Văn Thanh cho biết: Hiện nay tại bản Cà Là Pá số dân di cư sau 30/4/2011 từ các tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Hà Giang... và một số huyện thuộc tỉnh Điện Biên đến là chủ yếu. UBND huyện đã thành lập các tổ công tác, đoàn công tác phối hợp với các đơn vị đóng quân trên địa bàn, cùng chính quyền xã tuyên truyền, vận động số dân di cư này quay về quê cũ. Để thực hiện dứt điểm dân di cư trên địa bàn huyện theo Công văn số 8476/VPCP-KTN ngày 16/10/2015 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên, UBND huyện Mường Nhé đã có văn bản trình lên UBND tỉnh, đề nghị các tỉnh bạn cũng như các huyện trong tỉnh Điện Biên xây dựng kế hoạch đón dân dân di cư tự do vào địa bàn huyện Mường Nhé sau ngày 30/4/2011. Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh cũng như các huyện có dân di cư vào địa bàn huyện Mường Nhé, vẫn chưa có kế hoạch đón dân cụ thể. Ngày 11/8/2016, một đoàn công tác của tỉnh Sơn La đã lên làm việc với UBND huyện Mường Nhé, nội dung thông báo là: “Đón dân di cư của tỉnh Sơn La trở về nơi ở cũ”. Song đến nay, nói chính xác thì đoàn công tác của tỉnh Sơn La chỉ “lên thăm” số dân đã vào Mường Nhé, còn thực tế vẫn chưa có kế hoạch đón dân nào được thông báo. Về việc nhân dân bản Cà Là Pá đề nghị chia tách bản do thiếu đất sản xuất và dân số quá đông, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân, căn cứ Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 30/8/2012 của Bộ Nội vụ về điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới; UBND huyện đã giao cho Phòng Nội vụ hướng dẫn UBND xã Leng Su Sìn các quy trình, thủ tục xin chia tách, thành lập bản mới.

Để tiếp tục thực hiện Đề án 79, UBND huyện Mường Nhé giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn phối hợp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc sắp xếp ổn định dân cư cho các hộ thuộc phạm vi Đề án. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, có một số hộ dân đã đăng ký di chuyển nhưng phút cuối lại không di chuyển như nguyện vọng đăng ký, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện dẫn tới chậm tiến độ sắp xếp. Để đảm bảo tiến độ Đề án đặt ra, UBND huyện tiếp tục tăng cường các tổ công tác phối hợp với các chủ đầu tư, cùng UBND xã tuyên truyền, vận động người dân di chuyển về điểm bản mới theo đơn đăng ký của các hộ dân. Hiện nay một số điểm đã định cư theo Đề án 79 nhưng do thiếu đất sản xuất nên một số hộ đã quay về nơi cũ; trong đó có một số hộ dân bản Cà Là Pá đã được hỗ trợ định cư ở các bản Mường Toong 4, 5, 6 và 7 (xã Mường Toong) nhưng lại quay về bản Cà Là Pá.

Hẳn chúng ta đều biết, đi cùng với nạn di cư tự do là rất nhiều những vấn đề phức tạp về tình hình an ninh, trật tự tại các làng bản vùng sâu, biên giới. Trong số hàng loạt những biểu hiện tiêu cực, thì hiện tượng tuyên truyền tín ngưỡng trái phép đang là một trong thách thức lớn nhất với các cấp ủy  đảng, chính quyền, các lực lượng vũ trang nói chung và ngành Công an nói riêng. Trung tá Mùa A Páo - Đội trưởng Đội an ninh, Công an huyện Mường Nhé - kể cho chúng tôi một số vụ việc phức tạp nhất mà anh và đồng đội phải mất khá nhiều công sức và trí tuệ mới “hóa giải” được. Đó là các chuyên án về nắm tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, kiểm danh, kiểm diện các đối tượng hoạt động “Vương quốc Mông”, đối tượng chính trị trên địa bàn huyện. “Đến bây giờ tôi và đồng đội vẫn nhớ như in chuyến tham gia giải tán vụ tập võ, tập bắn súng quân dụng tại bản Huổi Tang, xã Pa Tần, huyện Mường Nhé; phát hiện thu giữ 1 khẩu súng CKC, 4 viên đạn; 2 lá cờ “Vương quốc Mông” tại bản Huổi Đá, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; phát hiện 16 đối tượng tập võ, sử dụng súng tự chế tại đỉnh núi Huổi Chá, giáp với bản Huổi Tang, xã Pa Tần (nay thuộc huyện Nậm Pồ). Bắt tạm giữ 2 đối tượng cầm đầu đưa về Công an huyện Mường Nhé đấu tranh, khai thác; đưa số đối tượng còn lại ra cam kết, kiểm điểm trước dân”.

 

Đại tá Nguyễn Ngọc Trường (ngoài cùng, bên trái) trong lần đi thực tế về với nhân dân vùng sâu, biên giới. Ảnh: Thành Trung

Được biết những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh và Huyện ủy Mường Nhé, lực lượng Công an huyện Mường Nhé tiếp tục chủ trương “bám cơ sở, ở gần dân”, tăng cường công tác vận động quần chúng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để cảm hóa, giáo dục những người đang bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo. Để làm được công việc này thì phải hiểu dân, tìm ra những vướng mắc trong đời sống, tâm tư, tình cảm của họ để từng bước giải tỏa tâm lý, bảo đảm hoạt động bình thường theo pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo. Nhiều người sau một thời gian được vận động đã nhận ra hoạt động sai trái của mình, tự điều chỉnh hành vi và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đại tá Nguyễn Ngọc Trường chia sẻ như một điều trải nghiệm: “Ba cùng” để được sống trong lòng dân, hòa vào nhân dân, nghe tưởng rất đơn giản nhưng lại không hề dễ dàng gì đối với bất cứ ai và với các cán bộ, chiến sỹ Công an cũng vậy”.

Để tiếp tục triển khai Kế hoạch 420, chiều 21/4/2017 tại trụ sở Công an tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị: “Thống nhất giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Kế hoạch số 420/KH-UBND (ngày 22/2/2017) của UBND tỉnh Điện Biên, về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé năm 2017”. Tại đó, nhiều vấn đề được đại biểu các ngành và địa phương thẳng thắn đặt ra trên bàn nghị sự, với mong muốn không chỉ giữ lại những cánh rừng nguyên sinh, mà cao hơn thế, giúp Mường Nhé và nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây có cuộc sống ổn định hơn, ấm no hơn và dĩ nhiên là sướng vui hơn...

(Kỳ 2: Mường Nhé trên... bàn nghị sự)

Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top