Vang mãi ký ức một thời hào hùng

14:08 - Thứ Sáu, 05/05/2017 Lượt xem: 7325 In bài viết
ĐBP - Những ngày tháng 5 lịch sử, khi nhân dân cả nước đang hướng về kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2017), được cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Hội Cựu chiến binh huyện Điện Biên giới thiệu, chúng tôi đã tìm gặp một số cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Điện Biên.

Người đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là ông Trần Quang Hữu (SN 1934), tại Bình Lục, Hà Nam, là thương binh 4/4, hiện đang sinh sống tại thôn C17B, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 1/1953, ông nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 176, Sư đoàn 316. Trong căn nhà cấp 4 tình nghĩa, nhấp chén trà nóng hổi ông bồi hồi nhớ lại những ký ức về một thời khói lửa hào hùng. Ông Hữu kể: Trước khi địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, cuối năm 1953, ông bị thương ở mặt trận Cò Mạ - Thuận Châu. Sau khi kết thúc đợt tấn công của địch, nghe đồng chí tiểu đoàn trưởng và đồng chí chính trị viên đại đội xuống kiểm tra trận địa nói chuyện với nhau rằng ở đây các đồng chí hy sinh hết rồi. Nghe chuyện đó, ông cảm thấy uất nghẹn trong lòng không nói được gì mà chỉ cố cựa mình để các đồng chí biết mình còn sống. Sau khi giải phóng, Đảng và Nhà nước có chủ trương giảm quân số phục vụ chiến đấu sang làm nhiệm vụ kiến thiết đất nước, xây dựng hậu phương miền Bắc, cả Trung đoàn chuyển sang nông binh. Năm 1960, ông Hữu chuyển ngành sang lái xe tải trong quân đội chuyên chở phân đạm, cuốc xẻng, nông cụ từ Hà Nội lên phục vụ Nông trường quốc doanh Điện Biên trồng lúa và cà phê cùng gia đình xây dựng kinh tế mới. Với những đóng góp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cựu chiến binh Trần Quang Hữu đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý và được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

 

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Cường kể về những ký ức trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với phóng viên.

Có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay, biết bao thế hệ cha ông đã phải hy sinh, chịu đựng khó khăn để nước nhà giành được độc lập. Vì vậy, ông Hữu không quên dặn dò thế hệ trẻ: “Tôi hy vọng các bạn trẻ trong quân ngũ nói riêng và thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh nói chung, hãy nêu cao tinh thần học tập, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, ra sức huấn luyện chiến thuật như phương châm: “Thao trường đổ mồ hôi - Chiến trường bớt đổ máu”, “Quyết chiến, quyết thắng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ xã hội chủ nghĩa” trong mọi tình huống”.

Chia tay cựu chiến binh Trần Quang Hữu, chúng tôi đến thôn C4, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) để thăm gia đình ông Nguyễn Đức Cường (SN 1933). Sinh ra và lớn lên ở quê hương Hà Tĩnh cùng với sức trẻ, nhiệt huyết và lòng căm thù giặc sâu sắc, người thanh niên Nguyễn Đức Cường đã xung phong nhập ngũ làm chiến sỹ Bộ đội Cụ Hồ. Khi được hỏi về quá trình phục vụ quân ngũ của mình, ông Cường lặng người đi vì những ký ức lại ùa về. Ông xúc động đưa tay lau nước mắt rồi kể cho chúng tôi nghe về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ: Tháng 12/1953, ông Cường tham gia huấn luyện tại Trung đoàn 44 - Nghệ An (nay thuộc Quân khu 4); đến tháng 2/1954 được bổ sung sang Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Sư đoàn 316. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Cường tham gia đào hầm, tải đạn từ Mường Phăng vào xã Thanh An ngày nay và chiến đấu trong trận đánh ở Hồng Cúm. Nói về cảm xúc lần đầu ra trận, ông Cường chia sẻ: “Lúc mới ra trận, tôi rất hồi hộp vì trên đầu máy bay địch thả dù, ném bom, đạn pháo ngày đêm nổ ầm ầm rung chuyển đất trời. Khi đó trời mưa to tầm tã suốt ngày đêm, cánh đồng thì trắng xóa. Vì mưa trơn mà không có giày dép đi, nhiều đồng đội của tôi đã xẻ quần của mình bó chân vào để đi lại dễ dàng hơn. Rạng sáng ngày 7/5/1954, nhận được tin quân ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm A1, đơn vị tôi ai cũng vui mừng khôn xiết”. Sau giải phóng, ông Cường ở lại Điện Biên xây dựng gia đình, phát triển kinh tế và đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Với bản chất của người lính, ông Cường đã giáo dục con cháu nối tiếp truyền thống cách mạng của cha ông, tích cực tham gia kiến thiết đất nước và xây dựng cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc, chan hòa.

63 năm đã trôi qua, nhưng những câu chuyện mộc mạc, cảm động về tinh thần chiến đấu quả cảm, hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn luôn in đậm trong tâm trí những người lính Điện Biên năm xưa. Hình ảnh người chiến sỹ Điện Biên năm xưa sẽ mãi là những bài học vô cùng quý giá đối với thế hệ trẻ về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top