Vượt lên những khó khăn trước mắt

11:13 - Thứ Năm, 11/05/2017 Lượt xem: 10089 In bài viết
ĐBP - Đi lên từ xuất phát điểm của một huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/CP, sau hơn 10 năm thành lập và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện cùng với tinh thần đoàn kết vượt khó của nhân dân trên cơ sở sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành, các cấp, Mường Ảng đang ngày một đổi thay với ưu thế của một huyện nông nghiệp mà cà phê đang là loại cây “xóa đói giảm nghèo” cho một bộ phận nông dân...

Có mặt ở Mường Ảng ngay từ khi huyện được thành lập, do vậy, Bí thư Huyện ủy Trương Quang Hải “thuộc” vùng đất này từ những điều nhỏ nhất. Theo ông Trương Quang Hải, để duy trì và phát triển tốt diện tích cà phê đúng quy hoạch, trong nhiệm kỳ qua Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động về phát triển cà phê bền vững giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020, tạo sản phẩm chất lượng, hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định. Đồng thời, phát triển cà phê phù hợp với quy hoạch, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, gắn với công nghiệp chế biến; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê, gắn với bảo vệ môi trường. Trên cơ sở thuận lợi và khó khăn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định cà phê là cây trồng phát triển phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện và là cây chủ lực, giúp người dân thực hiện tốt việc xóa đói, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Từ năm 2007 đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện; cây cà phê trên địa bàn huyện không ngừng phát triển kể cả về diện tích, năng suất, chất lượng và đặc biệt là tổng sản lượng sau mỗi mùa thu hoạch.

 

Thị trấn Mường Ảng hôm nay. Ảnh: V.T.C

Điều trăn trở của Bí thư Huyện ủy Trương Quang Hải nói riêng và tập thể lãnh đạo huyện Mường Ảng nói chung, tại thời điểm này Mường Ảng vẫn là một huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ, trình độ dân trí không đồng đều; một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo có sự biến động lớn: Theo chuẩn nghèo cũ tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 36,53%, còn cao so với bình quân chung toàn tỉnh (năm 2015: 28%). Bên cạnh đó, theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ năm 2015 trên địa bàn huyện tăng lên 54,91%; mặc dù là huyện thấp nhất trong 5 huyện nghèo của tỉnh và thấp hơn so với tỷ lệ bình quân chung của 5 huyện nghèo (68,10%), nhưng so với tỷ lệ bình quân chung toàn tỉnh (48,14%) thì vẫn còn rất cao. Mặt khác, tình trạng tranh chấp đất đai, di dịch cư tự do, xuất cảnh trái phép, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tệ nạn xã hội có lúc, có nơi vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

Xác định xóa đói, giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; trong giai đoạn 2011 - 2015, công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Ảng đã được triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định: Các chương trình, chính sách, các dự án hỗ trợ giảm nghèo đã giúp người dân trên địa bàn nói chung; người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số nói riêng cải thiện đời sống, tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản; đồng thời, thông qua tác động từ các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tình hình đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, cơ bản giải quyết được những vấn đề cấp bách nhất của các bản, xã đặc biệt khó khăn như: Điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, nhà ở; hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm; hỗ trợ trực tiếp các nhu cầu thiết yếu cho người nghèo, người dân tộc thiểu số... góp phần giải quyết các khó khăn về đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân, tạo lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Là người phụ trách mảng kinh tế nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng - cho biết những thông tin lạc quan: Việc thực hiện các chương trình giảm nghèo trên địa bàn đã góp phần nâng cao mức sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (theo chuẩn nghèo cũ) từ 68,43% (cuối kỳ năm 2010) xuống còn 36,53% (cuối kỳ năm 2015). Trung bình giảm khoảng 6,3%/năm; đạt 159% mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết 30a/CP (mục tiêu tối thiểu giảm 4%/năm). Giai đoạn 2011 - 2015 có trên 3.800 hộ nghèo đã thoát nghèo. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo; đồng thời cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, tỉnh về giảm nghèo và Chương trình hành động số 16/CTr-HU của BCH Đảng bộ huyện Mường Ảng về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện, việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn huyện Mường Ảng là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế tại địa phương; đưa ra giải pháp giúp người dân trên địa bàn từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Song, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, ông Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định: Tỷ lệ giảm nghèo hàng năm giảm nhanh nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao; chưa có sự chuyển biến mạnh, đột phá trong công tác xóa đói, giảm nghèo; hình thức tuyên truyền các chế độ, chính sách và văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước chưa thực sự phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có trình độ dân không đồng đều; các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo còn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa có kế hoạch, giải pháp giảm nghèo cụ thể cho từng nhóm hộ nghèo; công tác kiểm tra, giám sát và hoạt động của Ban chỉ đạo giảm nghèo chưa thường xuyên; bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác giảm nghèo chưa hoàn thiện, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực bố trí còn dàn trải, chồng chéo, trùng lặp, việc hỗ trợ còn mang tính bình quân, mức hỗ trợ thấp, hiệu quả chưa cao; thiếu nguồn lực; chưa lồng ghép được các chương trình, dự án để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực...

Trở lại vấn đề vai trò của cây cà phê nói riêng và nền kinh tế nông nghiệp của huyện nói chung, ông Trương Quang Hải chia sẻ: Hiện nay Mường Ảng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trước hết, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện phát triển chưa bền vững. Sản xuất nông nghiệp còn lệ thuộc nhiều vào điệu kiện tự nhiên. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chưa thực sự trở thành hàng hoá tập trung. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chậm và chiếm tỷ trọng cao (46,5%). Kỹ thuật thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của bà con nông dân còn thấp. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn còn dàn trải. Trong khi đó, với cây cà phê, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân vào sản xuất và sơ chế cà phê còn yếu. Nhiều hộ nông dân chưa thực sự chú trọng đến việc phát triển cà phê sạch, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn 4C, khâu sơ chế chủ yếu là xay xát thủ công, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng, giá thu mua cà phê thấp. Thị trường tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp bên ngoài, dẫn đến tình trạng dịch vụ đầu ra cho cà phê không ổn định, người trồng cà phê bị ép giá. Mặt khác, giá cà phê thô những năm gần đây không thực sự ổn định, nhiều thời điểm xuống quá thấp dẫn đến người trồng cà phê có lúc phải bù lỗ, không thực sự thiết tha với cây cà phê, ảnh hưởng đến quá trình phát triển diện tích cà phê của huyện.

Vượt lên những khó khăn vừa lâu dài vừa trước mắt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Ảng thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh Đảng, Chính phủ tiếp tục có những chính sách cho các huyện miền núi phát triển. Thêm vào đó, sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, đã và đang là những tiền đề quan trọng để huyện phát huy hết tiềm năng, lợi thế trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo...

Ngọc Thể
Bình luận
Back To Top