Cần “siết” chặt quản lý chất lượng mũ bảo hiểm

14:37 - Thứ Năm, 11/05/2017 Lượt xem: 8869 In bài viết

Từ ngày 1-7-2017, Nghị định 87/2016/NĐ-CP (ban hành ngày 1-7-2016) của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy có hiệu lực. Để quy định này đi vào cuộc sống, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm nhằm xử lý triệt để vi phạm ngay từ khâu sản xuất, kinh doanh... Đó là quan điểm được các chuyên gia đề cập tại hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý chất lượng mũ bảo hiểm và triển khai thực hiện Nghị định 87/2016/NĐ-CP” vừa diễn ra tại Hà Nội. 

 

Các cơ sở kinh doanh phải cung cấp mũ bảo hiểm chất lượng vì sự an toàn của người sử dụng.

Khoảng 40% mũ bảo hiểm kém chất lượng 

Hiện mũ bảo hiểm (MBH) đang lưu hành trên thị trường có 3 nguồn: sản xuất trong nước, nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu. Tại hội thảo do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức mới đây, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH cho rằng, quyết định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông từ năm 2007 là một trong những chủ trương được chấp hành nghiêm chỉnh nhất cả ở phía doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH và người sử dụng. 

Ở giai đoạn khởi đầu, đa số doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư thiết bị, nhà xưởng, thay đổi công nghệ để sản xuất MBH đạt chuẩn. Nhưng, dần dần các loại MBH nhái, kém chất lượng xuất hiện và ngày càng phổ biến. Nhiều hệ lụy đã nảy sinh như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính gặp khó khăn vì vấp phải sự cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt, hậu quả nghiêm trọng từ tai nạn giao thông do sử dụng MBH không đạt chuẩn gia tăng... 

Đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thừa nhận, hiện cả nước có khoảng 40% MBH kém chất lượng đang tồn tại trên thị trường. Trong đó, tỷ lệ MBH chưa đạt chuẩn ở phía Bắc khá lớn. Theo thống kê, mỗi ngày Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), tiếp nhận 40-70 ca tai nạn giao thông (những ngày cuối tuần, lễ, Tết, có thể tăng gấp 2-3 lần), trong đó tỷ lệ bị chấn thương sọ não lên đến 50%. Điều đáng nói là phần lớn nạn nhân đều không đội MBH, hoặc dùng MBH kém chất lượng.

Một nghiên cứu gần đây được ngành chức năng thực hiện tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, hơn 26% vụ tai nạn giao thông mà chủ phương tiện bị văng MBH ra đường là do mũ không đạt chất lượng hoặc cài dây không đúng cách. Nhiều người dân còn chủ quan khi chỉ coi trọng MBH thời trang, tiện lợi…, hoặc đội để đối phó với cảnh sát giao thông...

Tăng cường quản lý địa bàn

Sự ra đời của Nghị định 87/2016/NĐ-CP được đánh giá có nhiều điểm tích cực, song điều mà giới sản xuất, kinh doanh MBH chân chính mong đợi là công tác quản lý, xử lý vi phạm phải thực chất để thị trường không còn cảnh "bát nháo" như hiện nay. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất MBH cho rằng, nghị định có điểm mới để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chân chính, nhưng lại không nói đến trách nhiệm của chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng sản xuất và kinh doanh MBH giả trên địa bàn mình quản lý. Đây là điều cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Tường Duy Sơn, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho biết, Nghị định 87/NĐ-CP ra đời đã nêu rõ những biện pháp quản lý chất lượng MBH theo chuỗi từ sản xuất đến nhập khẩu, phân phối. Các mục tiêu cơ bản của nghị định nhằm đưa việc kinh doanh MBH vào nền nếp; tạo một thị trường MBH lành mạnh, đáp ứng yêu cầu quản lý; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất; tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu cho xã hội...

Tính đến thời điểm này, đây là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất liên quan đến MBH. Tuy nhiên, để quy định này thực sự vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền và thực hiện thu hồi, tiêu hủy số MBH không đạt chuẩn trên thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cá nhân, cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh MBH không đạt chuẩn; có biện pháp xử phạt đối với người tham gia giao thông sử dụng mũ có kiểu dáng không giống MBH được quy định theo quy chuẩn và không có dấu chứng nhận hợp quy; xử lý nghiêm cơ sở làm MBH giả... Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng MBH từ việc kiểm tra địa bàn nhằm xử lý triệt để vi phạm ngay từ khâu sản xuất, kinh doanh...

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top