Giải quyết ô nhiễm môi trường ở các điểm giết mổ gia súc, gia cầm

Chờ quy hoạch

08:43 - Thứ Hai, 15/05/2017 Lượt xem: 7321 In bài viết
ĐBP - “100% các điểm giết mổ gia súc, gia cầm xếp loại C, nghĩa là tất cả đều không đạt, chưa đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm” - đây là kết quả cuộc kiểm tra gần nhất (tháng 2/2017) của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tại 216 điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Các tiêu chuẩn được đánh giá dựa trên Thông tư 45/2014/TT - BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 176 điểm giết mổ lợn, 14 điểm giết mổ trâu, bò và 26 điểm giết mổ gia cầm tại các khu vực dân cư tập trung ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và một số vùng lân cận với công suất giết mổ khoảng 15 con trâu, bò; 160 con lợn và 300 con gia cầm mỗi ngày. Nhiều điểm giết mổ được thực hiện tại các hộ gia đình trong các khu dân cư, tại các điểm chợ nước thải và chất thải sau giết mổ thường được xả thẳng ra cống rãnh thoát nước hoặc ao hồ, sông suối mà không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh thú y, ảnh hưởng sức khỏe người dân.

 

Điểm giết mổ gia súc, gia cầm tại khu vực chợ Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ.

Một trong những điểm “nóng” nhất về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường do giết mổ gia súc, gia cầm là tại chợ Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Hiện nay, chợ Mường Thanh có trên 10 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 1 điểm giết mổ trâu, bò. Với công suất từ 1 - 3 con/điểm đối với gia súc, 10 - 20 con/điểm đối với gia cầm, như vậy mỗi ngày có rất nhiều gia cầm, gia súc được giết mổ tại đây nhưng điều đáng nói là tất cả nước thải, chất thải đều đổ thẳng xuống sông Nậm Rốm.

Một trong những điểm giết mổ được đầu tư có “bài bản” nhất so với các điểm giết mổ khác về các tiêu chuẩn như: sạch sẽ, thoáng mát, cao ráo, có xây dựng hầm biogas là điểm giết mổ trâu, bò của gia đình anh Nguyễn Quốc Chính, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, điểm giết mổ này theo quy định vẫn không đạt yêu cầu bởi vấn đề nước thải không có hệ thống xử lý mà thải trực tiếp ra sông Nậm Rốm. Một thực trạng nguy hiểm kéo dài từ trước đến nay là nước thải, chất thải xả thẳng ra môi trường là tình trạng chung của tất cả các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Khó khăn trong giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các điểm giết mổ gia súc, gia cầm là do trên địa bàn tỉnh chưa có điểm giết mổ tập trung, tất cả các điểm giết mổ đều tự phát, nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư, nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, kiểm soát. Quan trọng hơn là chế tài xử phạt đối với những lỗi vi phạm tại các điểm giết mổ gia súc, gia cầm chưa thực sự nghiêm nên rất khó chuyển biến. Theo thống kê của Chi cục Thú y, từ năm 2015 đến nay, mới có 1 điểm giết mổ gia súc bị xử lý với hành vi bơm nước vào trâu. Còn lại, đối với các lỗi thường gặp khi đoàn công tác tiến hành kiểm tra tại các điểm giết mổ gia súc, gia cầm như: nước thải xả thẳng ra môi trường, giết mổ động vật ngay trên sàn, trang thiết bị không được khử trùng trước và sau giết mổ, không thu gom chất thải rắn sau khi giết mổ, người giết mổ không được khám sức khỏe định kỳ, dụng cụ chứa không đảm bảo vệ sinh, không ghi chép nguồn gốc và số lượng gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ... thì hầu hết chỉ dừng lại ở hình thức là nhắc nhở.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các điểm giết mổ, theo ông Vũ Mạnh Tưởng, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục Thú y, có 2 phương án: một là giải tán hết các điểm giết mổ không đảm bảo theo quy định, hai là phải có các điểm giết mổ tập trung, nghĩa là tỉnh phải có quy hoạch rõ ràng đối với từng điểm giết mổ, tránh để tràn lan, tự phát. Với phương án 1 thì khó khả thi, bởi với thực tế 100% điểm giết mổ trên địa bàn tỉnh không đạt tiêu chuẩn, nếu giải tán hết là điều không thể, bởi đây là nhu cầu cuộc sống của người bán lẫn người mua. Còn với phương án 2 là quy hoạch các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thì gần đây nhất, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của UBND tỉnh, diễn ra vào ngày 25/4, vấn đề về Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và định hướng tới năm 2030 cũng đã được đưa ra thảo luận. Mục đích của việc quy hoạch các cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo vệ sinh thú y trong giết mổ để thực hiện quản lý, kiểm soát giết mổ, khống chế và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; đảm bảo tính văn minh trong hoạt động giết mổ như: thời gian vận chuyển, giết mổ phải hạn chế ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, giữ gìn môi trường xung quanh các cơ sở giết mổ… Quy hoạch sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn: giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Dự kiến mỗi huyện sẽ xây dựng 1 cơ sở giết mổ tập trung với phạm vi phục vụ dân cư khu vực thị trấn, trung tâm huyện và các xã gần khu vực trung tâm; riêng TP. Điện Biên Phủ do nhu cầu về thực phẩm cao hơn nên quy hoạch từ 2 - 3 điểm giết mổ tập trung.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top