Mong có nhiều lao động xuất khẩu sang Nhật Bản

09:05 - Thứ Năm, 18/05/2017 Lượt xem: 8807 In bài viết
ĐBP - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản hiện đang là mong muốn của nhiều lao động ở tỉnh ta. XKLĐ sang Nhật Bản được đánh giá là thị trường màu mỡ song khó tính bởi đòi hỏi yêu cầu tiêu chuẩn lựa chọn cao hơn nhiều so với các thị trường khác. Trong khi đó, với thực trạng lao động còn yếu ở như Điện Biên thì đây cũng là rào cản, không chỉ gây khó khăn cho các cá nhân tham gia tuyển sinh mà còn ảnh hưởng đến công tác XKLĐ trên địa bàn.

Thị trường tiềm năng

Mở đầu câu chuyện về thị trường XKLĐ sang Nhật Bản tại Điện Biên, bà  Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: Từ năm 2010, thị trường XKLĐ sang Nhật Bản bắt đầu mở cửa cho lao động Điện Biên tham gia. Trong đó, từ năm 2010 - 2012, Sở phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức sơ tuyển tại Điện Biên, từ năm 2013 đến nay do Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức tại các cơ sở đào tạo. Đây là cơ hội tốt cho lao động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện Mường Nhé tuyên truyền về chính sách XKLĐ cho người dân xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé.

Để thấy rõ hơn về thị trường tiềm năng, màu mỡ này, bà Nguyễn Thị Thu Hà đưa ra chương trình tuyển chọn ứng viên tham gia thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản vừa triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 3 - 4/2017 do Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức. Đây là chương trình phi lợi nhuận theo thỏa thuận giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Janpan). Người lao động trúng tuyển sẽ được tham gia các khóa đào tạo tại cơ sở của Trung tâm Lao động ngoài nước trong thời gian từ 4 - 8 tháng, phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của các công ty tiếp nhận. Một trong những yếu tố được các lao động Điện Biên quan tâm là mức lương khi tham gia lao động tại thị trường này. So với các thị trường khác, mức lương sau khi tham gia “xuất” Nhật khá cao, thực tập sinh sẽ được hưởng mức lương cơ bản theo hợp đồng từ 125.000 - 150.000 yên/tháng. Sau khi hoàn thành chương trình, về nước đúng thời hạn sẽ được Tổ chức IM Janpan hỗ trợ 600.000 yên/người (tương đương khoảng 120 triệu đồng Việt Nam) để khởi nghiệp. Với mức lương hấp dẫn đó, sau 3 năm, các thực tập sinh có thể tích lũy và mang về số tiền từ 500 - 600 triệu đồng.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn, một “điểm cộng” nữa đối với thị trường Nhật Bản là người lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh còn được miễn các chi phí, như: Vé máy bay, học phí đào tạo chính thức trong thời gian 4 tháng, chi phí đào tạo tay nghề, ôn tập trong 1 tháng trước khi xuất cảnh... Ngoài ra, người lao động thuộc huyện nghèo nhưng không phải đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 50% chi phí đào tạo.

Chỉ tiêu đạt thấp

Mặc dù XKLĐ Nhật Bản là thị trường giàu tiềm năng, song thực tế việc khai thác thị trường này tại Điện Biên còn hạn chế. Theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 8 năm (từ năm 2010 - 2017), toàn tỉnh có 643 lao động tham gia xuất khẩu sang thị trường các nước, như: Đài Loan,  Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... Tuy nhiên, số lao động “xuất” Nhật đạt rất thấp với 30 người, chiếm 4,6% so với tổng số lao động sang các thị trường. Trong đó con số được “xuất” Nhật cũng giảm theo từng năm, năm 2010 có 6 người XKLĐ sang Nhật, năm 2011 có 1 người, năm 2014 có 2 người và từ đầu năm đến nay có 3 người. So với kế hoạch đề ra hàng năm là đưa khoảng 10 người đi làm việc tại Nhật thì những con số này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Theo ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chỉ tiêu XKLĐ sang thị trường Nhật Bản đạt thấp là do đây là thị trường khó tính, đòi hỏi yêu cầu khá cao trong quá trình tuyển các lao động. Cụ thể là tại chương trình tuyển chọn ứng viên tham gia thực tập kỹ thuật thì người lao động ngoài đáp ứng các điều kiện cơ bản theo quy định, như: Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, cao từ 1m60 trở lên, chiều cao phù hợp với cân nặng; không xăm mình, không bị tật nguyền, không dị tật, không có sẹo, không bị cận thị; có đủ sức khỏe để đi làm việc tại nước ngoài theo quy định. Đặc biệt là phải chưa từng tham gia các chương trình đào tạo thực tập sinh của Nhật Bản. Ngành nghề tuyển chọn, gồm: Xây dựng, sản xuất chế tạo và ngành nghề liên quan khác. Tuy nhiên, hiện tại số lượng công ty tiếp nhận trong lĩnh lực xây dựng chiếm phần lớn (khoảng 80 - 90%). Do đó sẽ chỉ ưu tiên tuyển chọn các ứng viên có khả năng làm việc trong lĩnh vực xây dựng, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Trong khi chất lượng lao động tại Điện Biên còn thấp, chủ yếu là các ngành nghề về nông nghiệp.

Bên cạnh đó, sau khi được dự tuyển, người lao động còn trải qua phần thi tuyển chọn môn toán, thể lực và phỏng vấn. Sau khi kết thúc thi tuyển, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ gửi thư thông báo kết quả trúng tuyển và hướng dẫn người lao động các thủ tục khác cần thiết để tập trung nhập học, tham dự khóa đào tạo và thông báo bằng văn bản tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội danh sách những người trúng tuyển để phối hợp quản lý. Ngoài ra, trong quá trình làm việc tại nước ngoài cũng có nhiều quy định khắt khe đòi hỏi người lao động cần tuân thủ. Chỉ cần mắc một lỗi, vi phạm quy định thì người lao động có thể bị cho về nước...

Là thị trường giàu tiềm năng song Nhật Bản cũng đỏi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe trong quá trình tuyển dụng cũng như làm việc. Dẫn đến, chỉ tiêu XKLĐ Nhật Bản của tỉnh hàng năm đạt thấp. Bởi vậy, nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực tuyển dụng và liên kết thường xuyên thị trường lao động Nhật Bản... là việc làm cần thiết, góp phần đưa công tác XKLĐ đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top