Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

08:47 - Thứ Hai, 22/05/2017 Lượt xem: 6753 In bài viết
ĐBP - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh mặc dù chưa xảy ra dịch bệnh, đàn gia cầm được giám sát, kiểm soát chặt chẽ và phát triển tốt. Song trước tình hình một số tỉnh, thành trong nước đã xuất hiện cúm gia cầm H5N1 và tại quốc gia giáp biên giới là Trung Quốc xuất hiện dịch cúm H7N9 trên người, tỉnh ta đã chủ động triển khai và thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp phòng ngừa, quyết tâm không để dịch lây lan vào địa bàn.

Theo ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là ngoài các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung thì vẫn còn rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, một bộ phận người kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ của dịch cúm gia cầm, từ đó gây khó khăn trong công tác tiêm phòng, kiểm tra kiểm soát tình hình vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm. Bên cạnh đó, địa bàn rộng, giao thông phức tạp, lực lượng thú y mỏng, sự phối hợp giữa lực lượng thú y và các lực lượng chức năng khác chưa kịp thời cũng ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình kiểm soát bệnh dịch. Việc thành lập các chốt kiểm dịch cũng chỉ được phép công bố khi có dịch trên địa bàn dẫn đến khó kiểm soát nếu người kinh doanh không vận chuyển gia cầm qua trạm kiểm dịch.

 

Nông dân huyện Mường Ảng chăm sóc đàn vịt.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 3 triệu con gia cầm. Để công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm hiệu quả, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo phòng ban chuyên môn hướng dẫn người dân, chủ trang trại nuôi gia cầm và các cơ sở chế biến gia cầm tăng cường tiêu độc khử trùng và tổng vệ sinh chuồng trại. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã sử dụng 23.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng phục vụ chăn nuôi, phát triển sản xuất. Đồng thời, tiến hành tiêm phòng cúm gia cầm ở những khu vực được khoanh vùng có nguy cơ cao như: huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ. Đến nay, huyện Điện Biên đã tiêm được 510.000 liều vắc xin phòng cúm gia cầm mũi 1 , hiện đang triển khai tiêm phòng mũi 2.

Cùng với tiêm vắc xin, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, các cơ quan chuyên môn phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về tác hại dịch cúm gia cầm, qua đó chủ động phòng, tránh dịch bệnh. Khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh cần báo ngay cho lực lượng thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời như: khoanh vùng, bao vây cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, nếu phát hiện bị nhiễm bệnh cần phải tiêu hủy ngay để tránh lây lan ra diện rộng.

Hiện nay đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, cũng là thời điểm nhiều hộ chăn nuôi thả vịt ra đồng để tận dụng thóc rơi vãi làm thức ăn nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương cần chủ động giám sát chặt chẽ đến từng hộ chăn nuôi, kiểm soát tổng đàn gia cầm; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, kịp thời nếu phát hiện có dịch để nhanh chóng có các biện pháp ngăn chặn, không để dịch phát sinh.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top