Để chính sách hỗ trợ người nghèo phát huy hiệu quả

09:32 - Thứ Hai, 29/05/2017 Lượt xem: 9224 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ giáo dục, y tế, nhà ở... được triển khai đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người được thụ hưởng trên địa bàn tỉnh. Người nghèo ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Người dân đã biết tính toán, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất...

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những chính sách giảm nghèo chưa kịp thay đổi phù hợp với thực tế, thiếu nguồn lực để thực hiện, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

 

Từ nguồn vốn Chương trình 135/CP giai đoạn III, huyện Tuần Giáo hỗ trợ giống ngô LVN cho người dân xã Phình Sáng nhưng chưa phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Quyết định 102/2009/QĐ-TTg, ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc diện hộ nghèo ở vùng khó khăn. Kể từ khi thực hiện đến nay, tỉnh ta đã hỗ trợ bằng hiện vật, cây giống, phân bón và muối iốt cho hơn 1 triệu lượt hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 120 tỷ đồng. Theo quy định: Người dân thuộc hộ nghèo ở các xã khu vực II, xã biên giới, xã bãi ngang, hải đảo vùng khó khăn được hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm; người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực III vùng khó khăn là 100.000 đồng/người/năm, để các đối tượng thụ hưởng chính sách chủ động mua sắm nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất và đời sống phù hợp với thực tế của từng hộ. Tuy nhiên, năm 2016, sự thay đổi về hình thức xét hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) đã khiến một số địa phương tỏ ra lúng túng trong triển khai thực hiện chính sách. Theo đó tất cả các huyện xét tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đều tăng từ 2 - 3 lần so với chuẩn nghèo cũ. Do đó, số vốn được phân bổ từ cuối năm 2015 đầu năm 2016 không đủ để thực hiện hỗ trợ theo đúng định mức quy định tại Quyết định 102. Tại huyện Điện Biên Đông xét theo tiêu chí của chuẩn nghèo đa chiều năm 2016 có gần 44.000 khẩu thuộc 8.558 hộ nghèo được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 102, tăng gấp 2 lần so với chuẩn nghèo cũ, nhưng chỉ được giao 2,33 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Nguồn kinh phí này chỉ đủ hỗ trợ cho khoảng 50% số người nghèo của huyện.

Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn. Sau nhiều năm triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều hạn chế. Từ khi thực hiện quyết định đến hết năm 2016, toàn tỉnh mới giải ngân được hơn 76,7 tỷ đồng trong tổng kinh phí 123,9 tỷ đồng được phân bổ, với 9.601 hộ được vay vốn (đạt 52% kế hoạch). Một trong các nguyên nhân được lý giải là do công văn chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về địa phương chậm, nguồn vốn thường phân bổ vào dịp cuối năm nên việc lập danh sách các đối tượng được thụ hưởng gặp nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, với mức cho vay thấp (8 triệu đồng) nên nhiều hộ có đủ điều kiện cũng không vay. Chị Mùa Thị Cở, bản Xuân Tươi, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, cho rằng: Số vốn cho vay quá ít, với 8 triệu đồng thì khó đầu tư các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Chúng tôi mong muốn Nhà nước nâng mức cho vay cao hơn, để người dân có thêm nguồn vốn ưu đãi trong phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Chính sách - Dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh), cho biết: Để các chính sách hỗ trợ người nghèo phát huy tối đa hiệu quả, vừa qua UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát, xử lý các tồn tại, hạn chế về triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho người dân; đặc biệt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung xem xét cơ chế, chính sách, mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và từng thời điểm cụ thể để kiến nghị cấp, ngành chức năng sửa đổi, bổ sung.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top