Quản lý Nhà nước về lĩnh vực viễn thông

09:48 - Thứ Hai, 29/05/2017 Lượt xem: 10043 In bài viết

ĐBP - Trong 10 năm qua (2007 - 2017), công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh lĩnh vực viễn thông được Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đẩy mạnh thực hiện. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động về an toàn thông tin thuê bao di động trả trước; dịch vụ internet công cộng, trò chơi điện tử công cộng; kích hoạt thuê bao điện thoại trả trước, khuyến mại của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông trên địa bàn. Hoạt động này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học, doanh nghiệp kinh doanh tăng trưởng, phục vụ tốt nhu cầu trao đổi thông tin của tổ chức, cá nhân, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

 

Chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh viễn thông, VNPT Điện Biên có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các dịch vụ, thu hút khách hàng.

Thực hiện chức năng nhiệm vụ, Sở TT&TT đã tham mưu đúng, tích cực cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai các quyết định, quy hoạch, kế hoạch quản lý phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn. Tiếp nhận thẩm định, chấp thuận đầu tư các trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) của các doanh nghiệp viễn thông. Hiện nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông và internet trên địa bàn tỉnh khá hiện đại, phong phú, chất lượng cao, giá cước phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng của tổ chức và cá nhân. Sở TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lĩnh vực viễn thông trên địa bàn chấp hành các quy định của Nhà nước, phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sử dụng của mọi tổ chức và người dân. Tổng số trạm thu phát sóng điện thoại di động trên địa bàn tỉnh hiện có 1.079 trạm, tăng 20 lần so với năm 2007; 114/130 xã, phường, thị trấn có trạm thông tin di động 3G, có trên 420.000 thuê bao điện thoại, tăng 9 lần so với năm 2007. Tổng số thuê bao internet băng rộng cố định 17.000 thuê bao; 128/130 xã, phường, thị trấn được kết nối internet băng rộng...

Bà Lò Thị Hà, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở TT&TT, cho biết: Không ngừng nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực viễn thông, cuối năm 2016 một số phòng, ban chuyên môn của Sở phối hợp với phòng văn hóa - thông tin các huyện, thị, công an tổ chức thanh tra hoạt động an toàn thông tin, thuê bao trả trước, dịch vụ internet băng rộng, khuyến mại dịch vụ viễn thông tại 4 doanh nghiệp: Viettel Điện Biên; Viễn thông Điện Biên, Mobifone Điện Biên; FPT Telecom Điện Biên trên địa bàn 5 huyện (Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Điện Biên). Cuối tháng 3/2017 vừa qua, Sở có đoàn công tác kiểm tra hoạt động điểm truy cập internet công cộng, dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tại 58 cơ sở của các huyện, thành phố; trong đó, TP. Điện Biên Phủ 30 cơ sở, huyện Điện Biên 13, Tuần Giáo 10 và Mường Ảng 5 cơ sở. Qua kiểm tra, chỉ có 19/58 cơ sở đủ thủ tục hành chính và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước. Nhiều điểm không đạt yêu cầu về điều kiện hoạt động, như: Diện tích phòng máy chưa đảm bảo theo Quyết định số 32/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh; khoảng cách từ đại lý đến cổng trường học theo quy định Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ; thời gian hoạt động, niêm yết biển hiệu nội dung sử dụng trò chơi điện tử công cộng... theo quy định tại Nghị định nói trên.

Theo bà Lò Thị Hà, qua thanh tra, kiểm tra đã đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh các doanh nghiệp chấp hành chưa tốt quy định của pháp luật, Nhà nước về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông. Đó là tình trạng đại lý, điểm giao dịch không đăng ký thông tin cá nhân của thuê bao di động trả trước, kích hoạt sim thuê bao trả trước, khuyến mãi sai quy định. Sử dụng 1 chứng minh nhân dân đăng ký cho nhiều thuê bao, bán sim đã kích hoạt sẵn.

Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý Nhà nước cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực viễn thông; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông. Hoạt động của ngành TT&TT đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ sử dụng dịch vụ viễn thông vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top