Phải phá bỏ độc quyền kinh doanh đường sắt

16:29 - Thứ Ba, 30/05/2017 Lượt xem: 6357 In bài viết
ĐBQH đề nghị việc xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao phải có báo cáo rõ, bảo đảm lựa chọn công nghệ phù hợp nhất, không lệ thuộc vốn bất cứ quốc gia nào.

Sáng 30-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).

 

Hệ thống đường sắt đơn đã quá lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu vận tải hiện nay.

Băn khoăn về đường sắt tốc độ cao

Về đường sắt tốc độ cao, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), phát triển đường sắt tốc độ cao đã được xác định tại Nghị quyết số 13-NQ/TW/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp vào năm 2020. Vì vậy, việc quy định về đường sắt tốc độ cao như trong Dự thảo Luật là rất cần thiết để có cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị và đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao khi đất nước có đủ điều kiện.

Thảo luận về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, không cần phải kết cấu riêng một chương riêng về đường sắt tốc độ cao như trong dự thảo vì hiện chúng ta chưa có đủ điều kiện để làm, không nên luật hóa một việc chỉ ở tương lai. Nhưng ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) lại đồng ý quy định thành 1 chương xây dựng đường sắt tốc độ cao, để có cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị xây dựng khi có điều kiện.

“Nhưng dự thảo chưa nói sẽ lấy nguồn vốn ở đâu để làm vì nước ta nợ công đang rất cao. Đường sắt là phương tiện để vận chuyển hàng hóa rẻ nhất cho nền kinh tế. Vay nước ngoài để làm là điều không tránh khỏi, chúng ta nợ nhưng phải để lại cho con cháu những công trình để đời. Vì vậy, việc xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao phải có báo cáo rõ,  bảo đảm lựa chọn công nghệ phù hợp nhất, không lệ thuộc vốn bất cứ quốc gia nào. Nếu Chính phủ càng sớm khảo sát để làm đường sắt tốc độ cao thì quy hoạch đấy đai càng sớm hơn, sau này chi phí sẽ thấp hơn”, ĐB Cảnh nêu ý kiến.

Đầu tư cho đường sắt quá ít nên tàu hỏa ngày càng èo uột

Vấn đề đầu tư cho đường sắt cũng là trăn trở của hầu hết các ĐB tham gia thảo luận. ĐB Đặng Hoàng Tuấn (Long An) cho rằng, đã 12 năm thực hiện Luật Đường sắt nhưng vốn đấu tư đường sắt không nhiều, chủ yếu là để bảo trì, sửa chữa; chứ ít thu hút được đầu tư. “Cho thấy, chính sách đầu tư đường sắt chưa hấp dẫn. Luật cần nêu rõ tổng mức đầu tư công cho đường sắt trong vốn đầu tư chung cho GT-VT, cùng với đó phải có chính sách thu hút đầu tư xã hội cho lĩnh vực này”, ông Đặng Hoàng Tuấn nói.

ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam) cũng cho rằng dự thảo chưa làm rõ cơ chế thu hút đầu tư ngành đường sắt. “Chủ yếu vẫn là nhà nước trợ giá, như vậy là không đúng với cơ chế thị trường hiện nay. Hiện vẫn chưa có sự cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực đường sắt, không thu hút được các nhà đầu tư”, ĐB Thế nêu.

ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) cũng nhận xét, đến nay Việt Nam là một trong ít quốc gia còn chạy đường sắt khổ nhỏ, nên luật lần này ra đời phải làm sao tạo được chính sách để phát triển ngành đường sắt, thu hút được đầu tư, kêu gọi vốn xã hội để phát triển ngành đường sắt. “Các ưu đãi, nguồn vốn, quỹ đất phải dành ưu tiên cho đường sắt. Cần tập trung thu hút sự đầu tư của tư nhân trước mắt là đối với lĩnh vực vận chuyển để tăng chất lượng phục vụ khách của đường sắt”, ĐB Tín phát biểu.

ĐB Nguyễn Văn Chương (TPHCM) cũng đồng quan điểm, vận tải đường sắt trải dài suốt chiều dài Nam-Bắc có quá nhiều ưu điểm, đặc biệt có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quân đội trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy, có một hệ thống đường sắt phát triển để phục vụ phát triển kinh tế, tăng tiềm lực quốc phòng là mục tiêu quan trọng, từ bây giờ phải hạ quyết tâm để trong vài thập kỷ nữa, chúng ta có một hệ thống đường sắt hiện đại. 

“Vì vậy, phải dành nguồn vốn thỏa đáng cho đường sắt, nếu mỗi năm chỉ rót vài % như hàng chục năm qua thì tương lai đường sắt không có gì sáng sủa, vẫn lạc hậu, xuống cấp, ngày càng mất sức cạnh tranh. Nếu vẫn với cơ chế như hiện nay thì không có nhà đầu tư nào hào hứng đầu tư, vì khả năng sinh lợi quá thấp, quá lâu. Nếu sinh lợi không cao thì có trải thảm đỏ thì họ cũng không vào. Nếu có quyết tâm chiến lược chúng ta sẽ xây dựng được đường sắt hiện đại. Xin Quốc hội, Chính phủ, chúng ta đừng quên  đường sắt như mấy chục năm qua”, - ĐB Nguyễn Văn Chương phát biểu.

ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cũng cho rằng, chúng ta chưa có ưu đãi, cơ chế thu hút đầu tư hấp dẫn nên đường sắt chưa thu hút được đầu tư. “Sau này làm đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao... cần áp dụng cơ chế đối tác công tư, Nhà nước chỉ là những gì mà tư nhân không làm, còn những gì nhà đầu tư tư nhân họ làm được thì để cho họ làm, ví dụ như các nhà ga đường sắt...”, ông Thể nói.

Giải trình lại, Bộ trưởng Bộ GT-VT Trương Quang nghĩa thừa nhận thời gian qua đầu tư cho đường sắt còn hạn chế. Cách đây 100 năm thì Việt Nam là đất nước hiếm hoi có hệ thống đường sắt nhưng bây giờ thì lại nằm trong số quốc gia có hệ thống đường sắt tệ. “Tỷ trọng đầu tư cho đường sắt chỉ chiếm 3,18% đầu tư cho giao thông, trong khi đường bộ gần 90%. Vận tải đường sắt đối với hàng hóa chỉ còn 0,4%, dẫn tới Việt Nam có chi phí vận tải vào loại rất cao so với thế giới”, ông Nghĩa cho biết.

Phải phá bỏ độc quyền kinh doanh đường sắt

Đáng chú ý, vấn đề kinh doanh đường sắt cũng còn ý kiến khác nhau. UBTVQH cho rằng cần bảo đảm nguyên tắc chống phân biệt đối xử và nguyên tắc cạnh tranh theo quy định của các luật liên quan. Do đó, trong dự thảo lần này đã bỏ quy định “doanh nghiệp được giao kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư không được trực tiếp kinh doanh hoặc đầu tư tài chính vào doanh nghiệp vận tải đường sắt trên tuyến đường sắt được giao”.  

Thảo luận về vấn đề này, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phân tích, đường sắt ngày càng lạc hậu, thị phần ngày càng giảm. Nguyên nhân được chỉ ra là do độc quyền kinh doanh đường sắt. Dù đã có tái cơ cấu, nhưng về bản chất hiện vẫn do 1  doanh nghiệp độc quyền kinh doanh trên tuyến đường sắt do nhà nước đầu tư. Dù nói mở cửa, nhưng không một doanh nghiệp ngoài nào dám vào, nên vẫn độc quyền, đường sắt ngày càng èo uột.

“Trước chúng ta đã thống nhất quan điểm phải tách bạch kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư với kinh doanh vận tải đường sắt. Nhưng đến dự thảo lần này thì bỏ quy định đó. Đề nghị doanh nghiệp đã được giao kinh doanh hạ tầng đường sắt thì không tham gia vào kinh doanh vận tải đường sắt, mà để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác tham gia. Nếu vẫn cứ doanh nghiệp đã kinh doanh hạ tầng đường sắt vẫn tham gia vào kinh doanh vận tải đường sắt thì không doanh nghiệp bên ngoài nào dám vào mà cạnh tranh”, ông Lâm gay gắt.

ĐB Đinh Văn  Nhã (Phú Yên) cũng đề nghị giữ lại quy định về kinh doanh đường sắt mà dự thảo đã bỏ, vì “chúng ta muốn đột phá đường sắt thì nhà nước chỉ làm hạ tầng thôi”.

Về giá/phí trong kinh doanh đường sắt, các ĐBQH đề nghị chuyển ngay sang cơ chế giá thị trường để thu hút đầu tư.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top