Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng

Bao giờ mới hết khó khăn?

09:23 - Thứ Tư, 31/05/2017 Lượt xem: 8130 In bài viết
ĐBP - Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng là hình thức được nhiều gia đình lựa chọn. Minh chứng cho điều đó là giai đoạn 2014 - 2016 trong số 3.093 người được cai nghiện ma túy toàn tỉnh thì có tới hơn 76,7% người chọn hình thức cai tại gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dù đạt được một số kết quả bước đầu, song do còn quá nhiều khó khăn và bất cập nên hiệu quả thiếu bền vững, đa phần các đối tượng đều tái nghiện sau cai…

Theo quy định, quy trình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được thực hiện theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Người nghiện được khám sức khỏe và phân loại; điều trị cắt cơn, giải độc (thời gian tổ chức cai nghiện cắt cơn, giải độc từ 7 - 10 ngày). Trong quá trình điều trị cắt cơn, giải độc 100% người cai nghiện ma túy được theo dõi 24/24 giờ/ngày và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị. Sau khi hoàn thành giai đoạn điều trị cắt cơn được đưa về gia đình để tiếp tục quản lý. Tổ công tác cai nghiện ma túy cấp xã phối hợp với gia đình, các tổ chức đoàn thể quản lý, giám sát và hỗ trợ người sau cai nghiện. Rồi tổ chức đánh giá, cấp giấy chứng nhận sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng (6 tháng).

Quy trình và quy định là vậy, nhưng trên thực tế còn rất nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Theo ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thì sự kỳ thị và định kiến của cộng đồng là “rào cản” trong công tác cai nghiện ma túy, nhất là việc tự nguyện khai báo tình trạng nghiện các chất ma túy tại cộng đồng. Việc vận động các gia đình, cá nhân tự nguyện khai báo, đăng ký hình thức cai nghiện và tổ chức cai nghiện tại cộng đồng là một trong những vấn đề còn nhiều bất cập, đối tượng nghiện ma túy, gia đình có người bị nghiện ma túy lo ngại sự kỳ thị, xa lánh từ cộng đồng. Cá biệt, một số người không hiểu mà cho rằng khi đăng ký tình trạng nghiện sẽ bị bắt đưa đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm nên phần vì e ngại, phần vì lo lắng nên không đăng ký. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của UBND cấp xã còn thiếu, cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế; thời gian cai nghiện ngắn (từ 7 - 10 ngày thực hiện giai đoạn điều trị cắt cơn); việc quản lý sau cai tại nơi cư trú thiếu sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình và các tổ chức xã hội; cộng với người nghiện sau cai không đủ bản lĩnh, không làm chủ được bản thân trước cám dỗ khó cưỡng của ma túy nên dễ bị rủ rê, lôi kéo… là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ người tái nghiện cao (hơn 90%). Bên cạnh đó, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, là từ năm 2014 đến hết năm 2016, toàn tỉnh mới có 17 gia đình có người sau cai nghiện ma túy được vay vốn hỗ trợ với tổng số tiền 500 triệu đồng; 35 người sau cai nghiện được dạy nghề. Theo phân tích của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì nguyên nhân chủ yếu do người nghiện ma túy còn mặc cảm, thiếu ý thức và thiếu quyết tâm vươn lên hoàn lương, trình độ tay nghề còn hạn chế. Vì vậy, các cơ quan, doanh nghiệp chưa có sự tin tưởng vào khả năng làm việc của những đối tượng này khi tiếp nhận.

Tại huyện Tuần Giáo, 3 năm qua đã tổ chức cho 198 người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, nhưng quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn do không đủ điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất, vì vậy hình thức cai nghiện tại gia đình vẫn là chủ yếu. Ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Do tâm lý lo ngại cộng đồng xa lánh, kỳ thị nên người nghiện ma túy không tự giác đăng ký cai nghiện. Tổ công tác cai nghiện ma túy cấp xã rất vất vả trong việc phối hợp với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn và trưởng các thôn, bản tuyên truyền, vận động đăng ký cai nghiện. Sau nhiều lần xuống từng nhà, gặp từng người để vận động đã thêm được nhiều người đăng ký hơn, tuy nhiên kết quả vẫn chưa như mong muốn, chưa đạt chỉ tiêu.

Trước thực trạng đó, một trong số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác định, đó là: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dang, đổi mới cả về nội dung và hình thức phù hợp với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, nhất là trong giới trẻ và phải được lồng ghép với các nội dung kinh tế - xã hội khác ở các địa phương; trong đó, tập trung tuyên truyền tại địa bàn dân cư, cơ sở tham gia cai nghiện ma túy; chú trọng tuyên truyền trong nhóm nguy cơ cao (người nghiện tại cộng đồng, học sinh, sinh viên trong các trường học, cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp); vận động người nghiện ma túy tự nguyện cai tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện bắt buộc. Tổ chức tốt công tác cai cắt cơn, giáo dục, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường công tác dạy nghề cho người sau cai, tổ chức tạo việc làm cho họ dưới nhiều hình thức; duy trì và phát triển các mô hình quản lý sau cai, câu lạc bộ; nhân rộng các mô hình quản lý sau cai nghiện có hiệu quả tại cộng đồng… Đặc biệt là, việc mở rộng các cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone trên địa bàn toàn tỉnh đã giúp phần lớn người tham gia điều trị đều giảm tần suất và ngừng sử dụng ma túy. Kết quả này mở hướng quan trọng trong công tác phòng, chống ma túy và HIV/AIDS, góp phần tích cực ổn định xã hội.

Với những giải pháp khá toàn diện và sát thực, song để giải bài toán này, thiết nghĩ cần nhất vẫn là sự chung tay của các cấp, các ngành siết chặt hơn nữa quy định về việc tiếp tục theo dõi, quản lý người nghiện ma túy hoàn thành cai nghiện tại gia đình và cộng đồng gắn với dạy nghề, giải quyết việc làm chứ không đơn thuần dừng lại ở hoạt động cai nghiện, cắt cơn tạm thời... thì mới hy vọng điệp khúc “tái nghiện” sẽ không còn tiếp diễn.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top