Cảnh giác với thủ đoạn thanh toán bằng tiền giả trong mua bán hàng hóa tại Điện Biên

10:47 - Thứ Năm, 01/06/2017 Lượt xem: 13859 In bài viết
ĐBP - Anh Bùi Văn Vượng, kinh doanh cửa hàng ăn uống tại tổ 7, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Ngày 27/5, có 3 người khách lạ (2 nam và 1 nữ) vào quán anh Vượng ăn uống. Ăn xong, họ thanh toán 1,4 triệu đồng bằng 3 tờ tiền polymer mệnh giá 500 nghìn đồng. Chưa kịp trả lại 100 nghìn đồng tiền thừa thì anh Vượng đã thấy họ vội vàng lên xe phóng đi.

Kiểm tra lại số tiền họ thanh toán, anh Vượng phát hiện 3 tờ polymer mệnh giá 500 nghìn đồng đều là tiền giả, vì có mầu khá đậm, mùi mực in, khi sờ không thấy độ nhám, ráp như tiền thật. Anh Vượng thử xé thì thấy rách góc nên đã nhờ một số người xung quanh kiểm tra lại và mọi người đều khẳng định là tiền giả.

 

Tiền polymer mệnh giá lớn thường hay bị làm giả nên mỗi người dân cần phải biết cách nhật biết tiền thật – giả.

Trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Huệ, bán hàng quần áo tại Trung tâm Thương mại Him Lam Plaza. Vào cuối ngày 28/5, chị Huệ kiểm tra số tiền hàng bán được trong ngày thì phát hiện có tới 5 tờ tiền polymer mệnh giá 200 nghìn đồng là tiền giả. Chị Huệ cho biết: “Khi vò tờ tiền tôi thấy bị nát và phai màu, nên tôi đã đem tới Kho bạc Nhà nước để kiểm tra và được biết là tiền giả”.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp phát hiện ra tiền giả lưu hành trên thị trường Điện Biên. Để phát hiện ra tiền giả, người tiêu dùng cần chú ý vào những tờ tiền polymer mệnh giá lớn. Khi nhận tiền qua trao đổi mua bán hàng hóa, có thể phân biệt tiền thật – giả bằng cách: Vuốt nhẹ tờ tiền, kiểm tra thấy độ nhám và ráp tay là tiền thật; vò tiền trong lòng bàn tay 15 giây rồi thả ra, nếu tờ tiền đàn hồi, không bị nhàu nát là tiền thật. Tiền thật có màu sắc hài hòa, không quá đậm hoặc quá nhạt. Nếu phát hiện đối tượng tàng trữ và lưu hành tiền giả, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: P.L (TP. Điện Biên Phủ)
Bình luận
Back To Top