Ngày hội Việc làm lần thứ 2, năm 2017

Cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động

09:17 - Thứ Sáu, 02/06/2017 Lượt xem: 8633 In bài viết
ĐBP - Không chỉ thu hút gần 1.500 người lao động tham gia, Ngày hội Việc làm lần thứ 2 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cuối tháng 5 vừa qua thực sự trở thành “cầu nối” giữa doanh nghiệp và người lao động đang có nhu cầu tìm việc; hàng trăm lao động được tư vấn trực tiếp, giới thiệu việc làm và trong số đó, 497 người đã đăng ký tuyển dụng, nhiều hồ sơ được chuyển tới các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển...

Đến với Ngày hội Việc làm, em Vì Thị Vui (20 tuổi), bản Pá Chả A, xã Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông) còn chút lạ lẫm. Vui cho biết: Gia đình sống bằng nghề nông, cuộc sống khó khăn nên điều mà Vui mong muốn nhất đó là tìm được việc làm ổn định để có thu nhập giúp gia đình bớt khó khăn. Sau khi được nhiều chuyên viên tư vấn của các công ty, doanh nghiệp có gian hàng tại Ngày hội Việc làm giới thiệu, Vui đăng ký dự tuyển làm việc tại Công ty TNHH JAEYOUNG VINA có trụ sở tại Khu công nghiệp Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh). Khi được hỏi, có ngại làm việc xa nhà, nhớ nhà? Vui bảo, Công ty này làm việc có ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, tết đều được nghỉ. Nhớ nhà thì mình xin về thăm nhà. Giờ quan trọng là tìm được việc làm để có thu nhập. Được biết, Công ty TNHH JAEYOUNG VINA là 1 trong số 22 đơn vị, doanh nghiệp có gian hàng tại Ngày hội Việc làm lần này. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện tử có nhu cầu tuyển dụng 2.000 công nhân với mức lương từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Công ty cam kết, người lao động không những được làm việc trong môi trường sạch sẽ, không độc hại, được bố trí ăn nghỉ; đóng bảo hiểm xã hội, thực hiện chế độ ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ phép theo quy định của Luật Lao động...

 

Học sinh, sinh viên tham gia Ngày hội Việc làm được Công ty HAMETECH tư vấn, giới thiệu ngành nghề, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Ảnh: Gia Kiên

Là mô hình đào tạo còn khá mới - đào tạo công nhân kỹ thuật theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội (HAMETECH) tham gia Ngày hội Việc làm để tuyển sinh và đảm bảo “đầu ra” cho học viên sau khi tốt nghiệp. Không giới hạn về số lượng, Công ty HAMETECH đào tạo đa ngành: Cơ khí - hàn, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện dân dụng, xây dựng... Học viên được lựa chọn cơ sở học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Điện Biên hoặc Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội. Với thời gian học 18 tháng, sau 8 tháng học lý thuyết tại trường, học viên được thực tập tại các doanh nghiệp theo đúng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo. Đợt thực tập thứ nhất (3 tháng) học viên sẽ được hưởng phụ cấp 3 triệu đồng/người/tháng; đợt thực tập thứ 2 (6 tháng) sẽ được hưởng phụ cấp 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi ra trường, học viên được Công ty bố trí việc làm với mức lương từ 6,5 - 12 triệu đồng/người/tháng và đóng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định...  Sau khi nghe chuyên viên tư vấn Công ty HAMETECH giới thiệu ngành, nghề đào tạo và các chế độ đãi ngộ, khá đông học sinh có mặt tại Ngày hội Việc làm đã đăng ký tuyển sinh. Và ấn tượng với chúng tôi đó là em Vàng Văn Kim, xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé), hiện là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Không giống nhiều bạn cùng lứa chọn học đại học để lập nghiệp, Vàng Văn Kim lại muốn được học nghề để có việc làm. Kim bảo, vượt gần 200 cây số ra tỉnh để học chữ, mong muốn lớn nhất của Kim và gia đình đó là sau khi tốt nghiệp được học nghề để có việc làm, có thu nhập ổn định, không còn đói nghèo như nhiều người trong bản. Nhờ Ngày hội Việc làm này, Kim đã tìm hiểu nhu cầu tuyển sinh, cũng như chế độ đãi ngộ của Công ty HAMETECH, và quyết định đăng ký học nghề tại Công ty ngay sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào cuối tháng 6/2017…

Việc làm không chỉ là một trong những chỉ tiêu quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững mà còn là giải pháp hiệu quả giúp người lao động có thu nhập ổn định, nâng cao tay nghề và từng bước phát triển nguồn nhân lực. Với tỉnh ta, nguồn lao động dồi dào vừa là tiềm năng của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, song cũng đặt ra áp lực trong giải quyết việc làm cho các sở, ngành và các địa phương trên địa bàn. Và dù đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác giải quyết việc làm thời gian qua, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Ngoài thị trường lao động trên địa bàn tỉnh không nhiều do chưa có khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất, còn do “khâu” kết nối việc làm giữa người lao động với doanh nghiệp chưa thường xuyên, liên tục và chưa được phổ biến. Dẫn đến người lao động thiếu thông tin về ngành nghề doanh nghiệp cần, phải tự tìm việc trong khi nhà tuyển dụng lại khó tìm lao động. Chính vì vậy, Ngày hội Việc làm trở thành “cầu nối” giúp học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường và người lao động chưa có việc làm có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin và được các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn về việc làm, dạy nghề để từ đó tìm kiếm việc làm, học nghề phù hợp với nhu cầu, trình độ, khả năng của mình. Đồng thời, thông qua Ngày hội giúp cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các tỉnh lân cận tuyển chọn được nguồn nhân lực chất lượng để bổ sung đáp ứng nhu cầu chiến lược phát triển kinh doanh của đơn vị và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong nước, xuất khẩu lao động.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top