Khó khăn trong công tác tiêm vắc xin phòng dại ở chó, mèo

14:20 - Thứ Tư, 07/06/2017 Lượt xem: 9469 In bài viết
ĐBP - Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo là việc bắt buộc đối với mỗi chủ nuôi, không chỉ đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi đó mà còn bảo toàn sức khỏe, sinh mạng cho chính con người. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo hiện nay chưa được người dân thực sự quan tâm, khiến việc khống chế và loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh còn gặn vô vàn khó khăn và thách thức.

Năm 2016, toàn tỉnh có 25.000/61.272 con chó, mèo được tiêm vắc xin phòng dại, đạt 40,8%. Năm 2017, ngành Thú y tỉnh đề ra mục tiêu tiêm phòng dại cho 70% tổng đàn chó, mèo. Trong 3 tháng đầu năm, số chó, mèo được tiêm vắc xin phòng dại là 17.376/78.500 con, đạt 22,1%.

 

Nuôi chó thả rông không chỉ gây nguy hiểm cho người đi đường mà còn gây khó khăn cho cán bộ thú y khi thực hiện tiêm vắc xin phòng dại.

Mường Ảng là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng dại chó, mèo thấp nhất trong 10 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Trong 3 tháng đầu năm, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn huyện là con số 0%, trong khi tổng đàn chó, mèo có tới 5.195 con. Lý giải về vấn đề này, ông Đỗ Đức Hải, Phó phụ trách Trạm Thú y huyện Mường Ảng cho biết: Công tác tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo thực tế khó khăn hơn rất nhiều so với các loại gia súc, gia cầm khác. Bên cạnh những người dân chấp hành tốt việc tiêm vắc xin phòng dại, còn rất nhiều hộ không phối hợp, gây khó khăn cho cán bộ thú y cơ sở. Mặt khác, đặc thù về địa hình, đường giao thông đi lại khó khăn, các điểm bản cách xa nhau, hoặc người dân còn cho cả chó, mèo đi nương và “định cư” cả tháng trên đó; trong khi lực lượng cán bộ thú y mỏng, chưa kể có những trường hợp chủ nhà nuôi 9 – 10 con chó, mèo, bắt được con này con khác đã tháo chạy ra vườn, lên đồi cao, rất khó bắt, lần sau cứ nhìn thấy cán bộ thú y đến là chúng nhanh chân “tẩu thoát”. Không những thế, chi phí cho mỗi mũi tiêm là 23 nghìn đồng cũng là một vấn đề khó khăn đối với những hộ nuôi nhiều chó, mèo.

Chúng tôi có mặt tại bản Nậm Cang, xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng để tìm hiểu về vấn đề này. Trao đổi với chị Lò Thị Xôm, được biết: “Gia đình chị nuôi 7 con cả chó lẫn mèo. Năm ngoái không tiêm phòng cũng không thấy làm sao, chúng vẫn sống khỏe mạnh, không cắn ai bao giờ. Năm nay, cán bộ đến nhà vận động tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo, nhưng chị không tiêm, bởi nhà nuôi bao năm nay có sao đâu; mà cũng không có tiền để tiêm.

Khá hơn huyện Mường Ảng, trong quý I năm nay, toàn huyện Tủa Chùa có 280 con chó, mèo được được tiêm vắc xin phòng dại trên tổng số 8.850 con chó, mèo; đạt 3,2% tổng đàn. Trong khi đó, thành phố Điện Biên Phủ là địa bàn được đánh giá cao về tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo, nhưng cũng chỉ thực hiện tiêm được 2.000/5.217 con, đạt 38,3%.

Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, người dân chưa nhận thức đầy đủ việc phải có trách nhiệm tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi, nên không hợp tác với các ngành chức năng. Đây là một trong những khó khăn không chỉ riêng đối với huyện Mường Ảng, Tủa Chùa, mà là tình trạng chung đối với một tỉnh miền núi như Điện Biên.

Có xuống cơ sở, tiếp xúc với người dân, mới hiểu và chia sẻ được cái khó của ngành Thú y; để làm thay đổi những suy nghĩ, tập tục đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân thật không hề dễ dàng.

Ông Lò Văn Tại, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Mặc dù đã được cán bộ thú y đến tuyên truyền, vận động; thậm chí chúng tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương, đưa việc tiêm phòng cho vật nuôi vào tiêu chí để bình xét gia đình văn hóa hàng năm, nhưng người dân vẫn tỏ ra thờ ơ và không muốn hợp tác với rất nhiều lý do. Để giải quyết thực trạng này, thời gian tới chúng tôi sẽ tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nguyên tắc phòng, chống bệnh dại cho vật nuôi theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bệnh dại gây ra”.

Bài, ảnh: Tú Trinh
Bình luận
Back To Top