Quản lý, sử dụng quỹ đất công ích còn nhiều bất cập

09:08 - Thứ Năm, 15/06/2017 Lượt xem: 13421 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất công ích ở một số địa phương trong tỉnh còn bất cập, như: Cho thuê đất công ích không đúng đối tượng, chưa lập hợp đồng thuê, chưa lập hồ sơ cho thuê... dẫn đến sử dụng không đúng mục đích, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách địa phương và bức xúc trong dư luận.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tổng diện tích đất công ích trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 3/2017 là 697ha, chủ yếu tập trung tại các huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Mường Nhé và TP. Điện Biên Phủ. Việc quản lý quỹ đất công ích hầu hết ở các địa phương đều hạn chế, bất cập, phổ biến tình trạng không thực hiện quản lý đến từng thửa đất, không lập sổ theo dõi riêng, không thực hiện công khai theo quy định để người dân giám sát; không lập kế hoạch bố trí sử dụng đất; việc ký hợp đồng cho hộ dân, cá nhân thuê sử dụng đất có thời hạn không thông qua hình thức đấu giá theo đúng quy định. Đặc biệt là, một số địa phương không phát huy được giá trị của đất công ích trong việc đóng góp vào ngân sách địa phương.

 

Nhiều diện tích đất nông nghiệp (trong đó có đất công ích) trên địa bàn huyện Tuần Giáo đang sử dụng sai mục đích.

Qua kết quả kiểm tra tình hình quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh do đoàn giám sát HĐND tỉnh thực hiện tháng 5/2017 cho thấy, hầu hết các địa phương đều không nắm chính xác diện tích đất công ích trên địa bàn quản lý. Ví dụ, theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường: Diện tích đất công ích của TP. Điện Biên Phủ là hơn 65ha, nhưng theo báo cáo của thành phố chỉ có gần 20ha; huyện Điện Biên gần 320ha đất công ích trên địa bàn, tuy nhiên huyện báo cáo chỉ có hơn 200ha; Mường Ảng có gần 130ha nhưng báo cáo của huyện chỉ hơn 100ha... Đặc biệt huyện Mường Nhé có gần 114ha, nhưng theo báo cáo của UBND huyện thì đến nay... chưa xác định được diện tích đất công ích! Theo lý giải của ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé: Nguyên nhân do hầu hết diện tích đất công ích trên địa bàn các xã đều không có hồ sơ quản lý, đồng thời phần lớn quỹ đất công ích nằm rải rác, xen kẽ với các thửa đất nông nghiệp khác, không xác định được ranh giới với thửa đất giao cho hộ dân, cá nhân theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ quy định về giao đất nông nghiệp cho hộ dân, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Vì vậy gây khó khăn cho công tác quản lý và thống kê diện tích đất công ích.

Việc quản lý lỏng lẻo, không xác định được diện tích đất công ích dẫn đến nhiều diện tích đất công ích bị sử dụng sai mục đích, không phát huy được hiệu quả. Ví như quỹ đất công ích ven sông Nậm Rốm trên địa bàn xã Pom Lót (huyện Điện Biên) đã bị một số hộ dân được thuê đất ven sông Nậm Rốm tự ý chuyển nhượng hoặc cho các doanh nghiệp thuê lại đất nhưng không thông qua chính quyền xã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng để khai thác cát trái phép. Như vậy không những không phát huy được giá trị của đất công ích mà ngược lại còn vi phạm Luật Đất đai.

Theo Nghị định 64 quy định: “Quỹ đất công ích được sử dụng vào các mục đích như cho thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc xây dựng công trình công cộng tại cấp xã, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tiền thu được từ việc cho thuê quỹ đất công ích được dùng cho nhu cầu công ích của địa phương...” Tuy nhiên, tại buổi làm việc với UBND tỉnh về kết quả kiểm tra tình hình quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Hầu hết các địa phương không quản lý được diện tích đất công ích, chưa quản lý sát sao việc sử dụng đất công ích, dẫn đến hiệu quả từ việc cho thuê đất công ích chưa cao. Mặc dù vậy, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay chưa có bất kỳ một địa phương, cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất công ích trái quy định. Vì vậy, tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất công ích gây ra nhiều hệ lụy. Trước hết là phá vỡ quy hoạch, cảnh quan, làm cho môi trường bị ô nhiễm từ các hoạt động sử dụng đất không đúng mục đích. Đồng thời làm phát sinh và gia tăng số vụ tranh chấp, khiếu kiện gây mất an ninh trật tự, thất thu thuế tài nguyên. Thậm chí, nhiều hộ tự ý san lấp để chuyển mục đích sang trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, nuôi trồng thủy sản, xây dựng nhà ở...

Để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý. Để khắc phục tình trạng này, các huyện, thị, thành phố cần rà soát, xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng đất công ích sai mục đích; chấm dứt hợp đồng ký không đúng thời gian và không đúng đối tượng theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công ích trái pháp luật... Về giải pháp quản lý tổng thể, lâu dài, mang tính ổn định cao đối với quỹ đất công ích, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý, thực hiện nghiêm quy hoạch có liên quan, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chủ động kiểm tra, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất công ích cho cấp huyện, cấp xã và tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở Luật Đất đai (bổ sung, sửa đổi), chủ động nghiên cứu, đề xuất quy định về giao đất, cho thuê đất, gia hạn thời gian sử dụng đất; lựa chọn các khu vực có vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất công ích nghiêm trọng, kéo dài để thanh tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm và xử lý nghiêm trước pháp luật...

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top