Sự nhân văn trong mỗi tác phẩm báo chí Công an Nhân dân

09:32 - Thứ Năm, 15/06/2017 Lượt xem: 8167 In bài viết
ĐBP - Một sớm tháng 3, khi những làn sương còn phảng phất trên những tán rừng Pa Ham của huyện Mường Chà, tôi cùng một số cán bộ, chiến sỹ Đồn Công an Pa Ham, mỗi người một “ngựa sắt”, sau lưng là lỉnh kỉnh bánh, kẹo, nước uống, gạo và vật bất ly thân là chiếc máy quay Sony Z7 do Công an tỉnh trang cấp, men theo lòng suối cạn vào xã Huổi Mí - một trong những xã khó khăn nhất của tỉnh.

Con đường vào trung tâm xã dài hơn 30km nhưng lổn nhổn những đá và dốc. Thi thoảng có đoạn bằng phẳng nhưng lại trơn trượt, một bên vách núi, một bên vực thẳm. Đi được một đoạn lại lác đác thấy con rắn xanh bò qua khiến anh em chúng tôi sởn gai ốc.

 

Phóng viên an ninh Điện Biên trên đường vào bản Pá Ít tác nghiệp.

Vào Huổi Mí lần này mục đích của chúng tôi là thực hiện phim dự thi Liên hoan Truyền hình Công an nhân dân đợt tới. Trước đó khi chúng tôi còn đang băn khoăn lựa chọn đề tài thì đồng chí Vi Văn Chuyên - Trưởng Công an huyện Mường Chà tiết lộ: trên địa bàn huyện có bản Pá Ít, thuộc xã Huổi Mí đặc biệt khó khăn, nhân dân ở đó không điện, không đường và đã lâu không được tiếp xúc với các dịch vụ y tế trong khi phần lớn lại đang mắc HIV/AIDS.

Sau cuộc trao đổi ngắn với đồng chí Sùng A Sú, Chủ tịch UBND xã Huổi Mí, chúng tôi lại men theo đường đi nương đến với Pá Ít, theo sau là hơn chục người thuộc các ban, ngành, đoàn thể xã đi theo hộ tống. Con đường mòn chỉ rộng khoảng 20cm, một bên là ta-luy dương với cỏ tranh và vách núi, còn bên này nhìn xuống vực sâu thăm thẳm. Xe máy lên dốc hay xuống dốc chỉ đi số 1, còn đoạn nào bằng bằng thì đi số 2.

Với sự trợ giúp của xã, đến 17 giờ chiều hôm ấy chúng tôi mới vào đến bản Pá Ít. Khó khăn, vất vả ở nhiều bản, làng của Điện Biên tôi đã thấy, nhưng với Pá Ít thì có nhiều điều nằm ngoài tưởng tượng. Trẻ con đứa mặc quần thì thiếu áo, đứa có áo thì thiếu quần và phần đông là thiếu hết. Nhìn ai cũng thiểu não và có những nỗi buồn nặng trĩu trong ánh mắt. Hỏi ra chúng tôi mới biết cả bản có 39 nóc nhà với gần 300 nhân khẩu nhưng có tới 30 gia đình có người liên quan đến căn bệnh HIV/AIDS. “Liên quan” ở đây nghĩa là nhà nào ít thì một, hai người nhiễm. Còn nhà nhiều thì hầu như bị tất cả. Nguyên nhân là đàn ông đều tìm đến các xã khác làm thuê, không làm chủ được mình, đến khi nghiện ngập, nhiễm bệnh mới quay về. Do thiếu kiến thức phòng chống nên họ lây truyền cho nhau, rồi sinh ra những đứa con nhiễm bệnh.

Lũ trẻ con sợ sệt thấy người lạ, vài người đang giã lá sắn để hấp ăn, những hạt gạo đen đúa, mót nhặt được sàng sảy qua loa và nỗi buồn nơi khóe mắt cụ già ngồi hút tẩu thuốc. Tất cả hiện lên như một cuốn phim buồn chỉ với hai màu đen trắng. Chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ ghi hình anh em chúng tôi chia tay bà con và trở về trung tâm xã mà lòng đầy những tâm tư.

Với 330 cúp hình quay trong 1 giờ đồng hồ, cùng với sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Nguyễn Xuân Kiêm - Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo đơn vị, gần một tháng sau, phóng sự mang tên “Nỗi buồn dưới chân núi Pá Ít” của Công an tỉnh Điện Biên cùng ba tác phẩm khác được hoàn thiện và đi dự thi Liên hoan Truyền hình CAND toàn quốc lần X năm 2015 tại thủ đô Hà Nội. Kết quả 4 tác phẩm đều được giải, trong đó có một tác phẩm được Bằng khen; 2 tác phẩm đạt giải Bạc; còn riêng tác phẩm “Nỗi buồn dưới chân núi Pá Ít” đã xuất sắc đạt giải Vàng của liên hoan. Không những thế, sau liên hoan đã có nhiều đồng chí trong Ban Giám khảo, Ban Tổ chức xin lại phóng sự ấy để trình chiếu tuyên truyền, quyên góp, sau đó trực tiếp vào với xã Huổi Mí, với bản Pá Ít ủng hộ vật dụng, lương thực, tài sản có giá trị, đồng thời thành lập các đoàn y tế vào khám chữa bệnh cho bà con nhân dân. Cho đến lúc này đây, khi đang cầm trên tay tấm Giấy khen của Đảng ủy xã Huổi Mí trao tặng vào cuối năm 2015, tôi càng thấm thía hơn tính nhân văn của mỗi tác phẩm báo chí về đề tài Công an nhân dân trên mỗi nẻo đường Tây Bắc.

Lần giở theo những trang hồ sơ lưu trữ những tác phẩm báo chí của Công an tỉnh Điện Biên gần 20 năm, tôi không khỏi tự hào khi tận mắt được xem những tác phẩm đã từng phát sóng, từng được mang đi dự thi các cuộc thi lớn nhỏ, trong đó không ít các tác phẩm mang đầy tính nhân văn. Như tác phẩm “Chuyện chị Dia bản tôi” nói về người phụ nữ dân tộc Mông tại Điện Biên Đông vượt qua những rào cản về bình đẳng giới, tới từng nhà, gặp từng người xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc; hay anh Mùa A Thắng từng theo các đối tượng xấu tuyên truyền thành lập Vương quốc Mông nay trở về lao động sản xuất, thường xuyên nhắc nhở bà con không nghe luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; hay chị Phạm Ngọc Tuyết với những hoạt động thiết thực, sâu nặng ân tình giúp đỡ người hoàn lương trở lại với cuộc sống... Những câu chuyện ý nghĩa và đầy tính nhân văn ấy đã phần nào giúp Chuyên mục truyền hình An ninh Điện Biên trở nên gần gũi, thu hút và ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm của công chúng với những thông tin hữu ích, những gương người tốt, việc tốt, những hình ảnh đẹp, trữ tình, nên thơ về mảnh đất, con người Điện Biên đến với cả nước qua kênh truyền hình ANTV.

Bài, ảnh: Lê Hoàng
Bình luận
Back To Top