Nghề báo, những kỷ niệm nặng lòng

09:34 - Thứ Năm, 15/06/2017 Lượt xem: 6695 In bài viết
ĐBP - Sau gần 12 năm gắn bó, đầu tháng 4/2015 nhà báo Nguyễn Thị Tươi chuyển công tác sang Văn phòng Tỉnh ủy, lúc đang là Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn Báo Điện Biên Phủ (Báo ĐBP). Những ngày này chị đang dưỡng bệnh sau ca mổ như chính chị thừa nhận là... “50 - 50” (tức may một nửa và rủi một nửa), nhưng chị vẫn gượng cơn đau để dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thú vị về nghề báo với những kỷ niệm nặng lòng... 

Trong căn nhà “cấp bốn” nằm sâu cuối con ngõ nhỏ của tổ dân cư số 7, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, nhà báo Nguyễn Thị Tươi như người vừa trở về từ một... giấc mơ. Gần 20 ngày sau ca đại phẫu mà mọi thành bại nhờ tay bác sỹ và phó mặc cho “định mệnh” ấy, nhà báo Nguyễn Thị Tươi vẫn với nụ cười tươi như chính cái tên của chị. Khi tôi bày tỏ sự ngại ngần vì có thể cuộc trò chuyện làm chị mệt thêm, chị cười bảo: “Không sao, nói chuyện về nghề cho đỡ nhớ nghề. Có khi cảm giác ấy lại làm tôi phấn chấn và khỏe hơn”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc sau 12 năm làm báo với nhiều vị trí công tác khác nhau, nhà báo Nguyễn Thị Tươi tâm sự: “Ngần ấy năm công tác ở Báo ĐBP, chấp hành lệnh điều động của Ban Biên tập tôi lần lượt làm trưởng phòng và phụ trách của 3 phòng chức năng khác nhau. Nói chung với bộ phận nào cũng có những kỷ niệm xúc động, đáng nhớ, đáng nâng niu, trân trọng nhưng với Phòng Báo ĐBP điện tử tôi có những kỷ niệm đặc biệt, vì đó là phòng tôi có mặt từ ngày đầu thành lập với rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ”...

 

Nhà báo Nguyễn Thị Tươi (bên trái) hướng dẫn phóng viên chỉnh sửa phóng sự hình, tại Phòng Báo Điện Biên Phủ điện tử. Ảnh tư liệu

Ngừng một lát để uống thuốc và cũng để những kỷ niệm hiện về từ quá khứ đằm sâu, nhà báo Nguyễn Thị Tươi cho biết: Dạo đó, để đáp ứng yêu cầu thông tin về Điện Biên trên mạng Internet, được sự đồng ý của Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Biên tập Báo ĐBP chủ trương lập trang web của Báo. Kết quả là ngày 3/2/2004, một kênh riêng về Điện Biên xuất hiện trên mạng Internet thông qua trang cinet của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Thời điểm ấy, một biên tập viên cùng một kỹ thuật viên được giao kiêm nhiệm việc đưa những tin, bài, ảnh... từ các số báo in upload lên mạng Internet. Lúc đầu mỗi tuần chỉ đưa lên mạng chừng 10 tin, bài, sau này, cùng với sự phát triển của các loại hình báo chí và đặc biệt là nhu cầu thông tin của độc giả, trang tin trở thành một tờ báo mạng độc lập; mang phong cách, dấu ấn riêng của loại hình báo điện tử và cập nhật thông tin liên tục trong ngày. Xuất phát từ tình hình thực tế, theo quyết định của Ban Biên tập, một nhóm phóng viên báo viết chuyển sang làm báo điện tử.

Tuy nhiên, mãi gần 3 năm sau (đầu năm 2007) Báo ĐBP điện tử mới tách thành một phòng riêng và lúc này cả phòng cũng chỉ có 2 người, gồm một kỹ thuật viên và một biên tập viên kiêm phóng viên. Đó là lý do chính để hầu hết lượng tin bài đều phải biên tập lại từ báo viết. Mặc dù Ban Biên tập yêu cầu các phóng viên báo in đồng thời viết bài cho báo điện tử, song đây là loại hình báo chí mới mẻ nên một số tác giả vẫn quen cách viết như cho báo in. Công tác biên tập của chúng tôi gặp không ít khó khăn, vì chính chúng tôi cũng không được đào tạo viết báo điện tử mà chỉ tự mày mò, tìm hiểu từ các báo điện tử khác. Vì vậy, mọi nỗ lực của chúng tôi chỉ có thể biên tập các bài báo viết theo ý hiểu của mình, sao cho ngắn gọn hơn mà lượng thông tin nhiều hơn. Vài tháng sau báo điện tử được bổ sung 2 phóng viên nhưng cũng đều từ báo viết chuyển sang, nâng biên chế của Phòng ĐBP điện tử lên 5 người (gồm: 1 biên tập viên (phụ trách), 2 phóng viên và 2 kỹ thuật viên), tất cả đều là những người làm báo điện tử bằng lòng say mê chứ không ai được đào tạo đúng chuyên môn. Nguồn động viên chúng tôi là lượng bạn đọc đến với Báo ĐBP online ngày càng tăng, từ vài trăm lượt truy cập trong những ngày đầu, lên con số hàng ngàn lượt truy cập mỗi ngày.

Điều trăn trở chung của Ban Biên tập cũng như anh chị em trong Tòa soạn là do không phát hành dưới dạng văn bản, nên để đọc được báo điện tử đòi hỏi những điều kiện nhất định nên lượng độc giả của báo điện tử cũng vì thế mà bị hạn chế ít nhiều. Song với lượng truy cập hàng ngày cùng với những phản hồi, liên hệ của bạn đọc, cho thấy ĐBP điện tử đã và đang có lượng độc giả không nhỏ. Cùng với đó là diện phủ sóng của báo điện tử rộng khắp tới tất cả mọi nơi trên thế giới, nên thông tin trên Báo ĐBP điện tử cũng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ những thông tin về học sinh nghèo hiếu học, địa chỉ cần sẻ chia được đăng tải trên ĐBP điện tử, đã có nhiều nhà hảo tâm (cả những Việt kiều) biết tới và chia sẻ, giúp đỡ. Có những thông tin cập nhật trên ĐBP điện tử ngay sau đó được bạn đọc hồi âm, phản ánh; những tin bài về các dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, về lễ hội Hoa Ban mấy năm gần đây... thu hút lượng độc giả cao của ĐBP điện tử trong và ngoài nước.

Thời gian qua, tuy ĐBP điện tử đã phản ánh được phần lớn bức tranh sinh động của đất và người Điện Biên, song vẫn còn nhiều lĩnh vực, nhiều mảng đề tài chưa được đề cập hoặc đề cập chưa nhiều, chưa sâu. Đó cũng là lý do mà trong thư phản hồi, nhiều bạn đọc góp ý ĐBP điện tử nên tăng lượng thông tin hơn nữa, nếu có thể, tạo thêm các kênh giao lưu trực tuyến với độc giả... Đây cũng là mục tiêu mà ĐBP điện tử đang nỗ lực hướng tới, song để lượng thông tin phong phú, đa dạng hơn, ĐBP điện tử cần rất nhiều sự hợp tác từ những tác giả báo viết, các cộng tác viên trong và ngoài tỉnh. Tin rằng thời gian tới, cùng với nỗ lực của những người làm báo ĐBP điện tử và sự khích lệ, hợp tác của bạn đọc, ĐBP điện tử sẽ ngày càng trở thành người bạn thân thiết, là nơi gửi gắm, chia sẻ của độc giả gần xa.

Nhân ngày 21/6, chúng tôi hỏi quan điểm của chị về trách nhiệm của nhà báo trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, nhà báo Nguyễn Thị Tươi trả lời vẫn theo phong cách của người như thể đang trực tiếp làm nghề: “Câu hỏi này quá lớn, vị trí của tôi bây giờ mà trả lời là không phù hợp. Tuy nhiên, anh đã hỏi thì tôi cũng mạn phép bạn đọc và trước hết là xin các đồng nghiệp nhà báo thứ lỗi, là báo in hay báo điện tử cũng phải phản ánh cho công chúng biết đầy đủ, trung thực, khách quan những gì đang diễn ra trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng. Nghĩa vụ công dân đòi hỏi người làm báo phải cân nhắc thận trọng khi cầm bút; cần phải bảo đảm chắc chắn rằng thông tin không gây phương hại lợi ích của dân tộc, lợi ích của đất nước, của địa phương, tổ chức, cơ quan và thậm chí của nhân vật được đề cập... Mặt khác, nghĩa vụ công dân và đạo đức con người cũng đòi hỏi các nhà báo phải công tâm, dũng cảm trong cuộc đấu tranh chống lại cái sai, cái tiêu cực, cái ác, cái trì trệ, lãng phí, giả dối và bất công...

... Câu chuyện của chúng tôi còn dài, trong hoài niệm của một nữ nhà báo xa nghề mà lòng vẫn đau đáu nhớ nghề. Chị bảo dù chuyển công tác đã hơn 2 năm, song nhiều lúc vẫn muốn được làm báo, muốn được gặp gỡ các nhân vật, được nghe họ nói và chia sẻ với họ, vui buồn cùng họ. Chia tay chị, tôi ra về khi thành phố đã lên đèn, tới một đoạn trên bờ thủy nông Nậm Rốm, tiếng rì rầm của dòng nước như nhắc một điều: Phải rồi, mấy năm trước, nhà báo Nguyễn Thị Tươi từng có những bài khá hay về chính con kênh này đây...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top