Những kỷ niệm nghề báo

08:42 - Thứ Tư, 21/06/2017 Lượt xem: 6897 In bài viết
ĐBP - Đi cơ sở khai thác thông tin thực hiện bài viết là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của phóng viên. Đối với tỉnh vùng cao, địa bàn rộng như Điện Biên, mỗi chuyến tác nghiệp ở vùng sâu vùng xa là một kỷ niệm khó quên, vui có, buồn có. Nhưng hơn tất cả là sự tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết, tình cảm gắn bó, sẻ chia với đồng bào các dân tộc, từ đó truyền tải thông tin tích cực, chân thực.

Nhớ những ngày đầu mới chập chững bước chân vào nghề báo ở Điện Biên, đối với một người vốn sinh ra ở miền xuôi như nhiều phóng viên trẻ ở tòa soạn, điều gì cũng cảm thấy lạ lẫm. Thú thực khi đó, trong những chuyến công tác xa, phóng viên trẻ chúng tôi vẫn mang tính khám phá là chính, hiệu quả công việc, năng suất bài viết nhiều khi không tương xứng với thời gian, công sức bỏ ra. Nhưng nghề báo vốn là “chuyến đi dài”, những ai gắn bó, tồn tại được với nghề là những người muốn đi và đi nhiều, ham học hỏi, tìm hiểu… Trong câu chuyện nhân ngày báo chí cách mạng, xin không nhắc lại những khó khăn về điều kiện giao thông, thời tiết trên đường tác nghiệp, bởi đồng bào các dân tộc, cán bộ, giáo viên, học sinh ở vùng cao, vùng sâu đặc biệt khó khăn vẫn hàng ngày “sống chung” với những gian khó, thiếu thốn đó. Bổn phận của phóng viên là thâm nhập và thích nghi. Nhắc đến sự thích nghi, một kỷ niệm tôi sẽ không bao giờ quên. Đó là chuyến đi tìm hiểu thông tin cho một bài điều tra, để đảm bảo tính bí mật trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi phải chủ động đi mà không có cán bộ cơ sở dẫn đường. Vào đến nơi cũng đã quá trưa, đàn ông ở bản đã đi làm nương chỉ còn lại người già và phụ nữ. Một khó khăn ngoài dự tính đã đến khi cả bản lúc này không ai biết tiếng phổ thông, nhóm phóng viên chúng tôi đều là người Kinh và cũng chỉ biết đúng một câu ngôn ngữ của bà con, phiên âm là “chi pâu”, dịch ra tiếng Việt nghĩa là... “không biết”! Cảm giác lạc lõng như đang ở một… đất nước khác. Rất may trong bản có sóng điện thoại, chúng tôi đã nhờ được anh đồng nghiệp là người cùng dân tộc với dân bản làm phiên dịch từ xa. Khi đó tôi chợt nghĩ ngoại ngữ được học trên giảng đường đại học giờ thành trớ trêu, giá mà ngày đó mình học được tiếng dân tộc! 

Cũng là một chuyến công tác ở địa bàn vùng sâu, có thể nói là xa nhất trong những chuyến công tác của chúng tôi tính đến thời điểm này, đó là một bản thuộc xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé. Bản này mọi thứ đều thuộc diện “một trăm phần trăm”, từ điện, đường, trường, trạm, thông tin liên lạc cho đến điển hình nhất là 100% hộ nghèo! Quãng đường từ trung tâm vào đến bản vừa xa, vừa xấu; vào đến nơi đã 2 giờ chiều, chúng thôi thấy... rất đói. Gặp anh trưởng bản, trao đổi nắm bắt thông tin xong, chúng tôi ngỏ ý với anh rằng có thể nấu giúp chúng tôi một bữa cơm “dịch vụ” tại chỗ, chúng tôi sẽ trả tiền gạo, tiền công. Nghe tôi trình bày, anh trưởng bản tỏ vẻ như có lỗi, anh bảo: Sao không nói sớm, giờ nhà có gì ăn nấy nhé, tôi mời! Thấy anh vào góc nhà, vác cây nỏ ra, tôi đã thất vọng nghĩ: “Giờ này mới vác nỏ đi săn thì chắc để ăn tối!” Nhưng ngay sau đó tôi biết mình đã nhầm. Đang ngồi ngơ ngáo, chúng tôi chợt nghe tiếng “kéeec!”, thoáng chốc thấy anh trưởng bản xách vào một con gà. Hóa ra anh lấy nỏ để bắn... gà nhà nuôi, vì vườn rộng, rào không, nên bắt gà bằng tay là việc bất khả thi. Bữa trưa muộn cùng gia đình anh trưởng bản là bữa cơm đặc biệt, ngon nhất tôi từng được thưởng thức! Đặc biệt bởi dân nghèo mà quý người. Họ không so đo tính toán mà lấy tấm lòng chân tình để mời khách. Chúng tôi “vận dụng” mọi hình thức để trả tiền bữa cơm nhưng anh nhất định không lấy. Tôi thấy lòng nao nao bởi biết rằng, nếu bán con gà kia sẽ mua thêm được vài ngày gạo cho các con anh!

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top