Những “chiến sĩ” phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng

10:47 - Thứ Sáu, 23/06/2017 Lượt xem: 7581 In bài viết

ĐBP - Dự án Nâng cao năng lực cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh phía Bắc (tiền thân là Dự án Cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh phía Bắc) bắt đầu triển khai tại tỉnh ta với mục tiêu đóng góp 90% số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện và 90% số người nhiễm được điều trị. Để đạt con số này, Dự án có một lực lượng “chân rết” tại cộng đồng với trách nhiệm tiếp cận, tư vấn phòng, chống HIV/AIDS, giới thiệu, chuyển, gửi hoặc xét nghiệm tại chỗ cho các đối tượng có nguy cơ cao. Họ không phải bác sĩ, y tá, nhân viên y tế mà chỉ là những người dân bình thường, có công việc khác nhau, trong đó đa số là nông dân nhưng lại tích cực trong vai trò là nhân viên cộng đồng.

Đội ngũ 212 nhân viên cộng đồng được hình thành và duy trì từ Dự án Cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS tại địa bàn 8 huyện, thị trong tỉnh. Họ được đào tạo cơ bản để có đủ năng lực cung cấp dịch vụ HIV/AIDS, có cơ chế kết nối, chuyển gửi, theo dõi khách hàng phù hợp, hiệu quả với cơ sở y tế. Nhờ mạng lưới này mà trong gần 3 năm triển khai Dự án (11/2014 -5/2017), 27.400 người có nguy cơ cao được tiếp cận, tư vấn; hơn 22.000 người được xét nghiệm; phát hiện 985 khách hàng nhiễm HIV, trong đó 780 trường hợp dương tính mới; đưa đi điều trị 575 trường hợp. Dự án đóng góp phát hiện 85% số ca dương tính mới, đưa đi điều trị mới 79% trường hợp trong tổng số phát hiện và điều trị mới của tỉnh. Ngoài ra các hoạt động truyền thông đến vùng sâu, vùng xa cũng được triển khai đa dạng và sinh động góp phần nâng cao kiến thức của người dân về HIV/AIDS và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử.

 

Nhân viên cộng đồng Lường Văn Tuấn (bên phải), bản Sư Lư 4, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông tư vấn cho người dân trên địa bàn. 

Anh Quàng Văn Thươi, bản Chiềng An, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo là một trong những nhân viên cộng đồng tâm huyết có gần 3 năm gắn bó với công việc này. Trong thời gian ấy, anh không chỉ đi từng bản, gõ cửa từng nhà các trường hợp có nguy cơ cao để chia sẻ, tư vấn, xét nghiệm mà còn làm “xe ôm miễn phí” đưa đón người bệnh đi điều trị; giúp khách hàng làm thủ tục cấp giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế... để hưởng đúng, đầy đủ các chế độ, chính sách về y tế; kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ vật chất cho các trường hợp đặc biệt. Với tâm huyết ấy, đến nay, anh đã tiếp cận được trên 600 khách hàng, vận động nhiều trường hợp mắc bệnh đi điều trị, phát hiện dương tính mới và đưa đi điều trị 20 ca. Anh Thươi chia sẻ: Có nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa mắc căn bệnh này nhưng nhận thức còn hạn chế hoặc do e ngại, điều kiện gia đình khó khăn mà chưa tiếp cận điều trị, vì vậy tôi thấy công việc của mình càng trở nên ý nghĩa. Tôi có thể góp sức mình nâng cao hiểu biết và cách phòng, tránh lây nhiễm cho nhiều người; giúp họ phát hiện và được điều trị, duy trì sức khỏe, ổn định cuộc sống.

Là nhân viên cộng đồng mới chưa đầy 2 tháng, chị Vàng Thị Bình (27 tuổi), bản Tân Phong 2, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đã tư vấn HIV/AIDS cho gần 30 trường hợp là người thân, bạn tình với người mắc bệnh và người tiêm chích ma túy trên địa bàn; xét nghiệm tại chỗ cho 7 trường hợp, không phát hiện ca dương tính mới. Cũng giống như nhiều người khác, ban đầu chị không khỏi lo ngại nguy cơ lây nhiễm; người thân, bạn bè đều can ngăn khi chị có ý định tham gia công việc này nhưng sau khi tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn, có sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS, chị đã trở thành một nhân viên cộng đồng tích cực.

Tiếp nối những thành quả đã đạt được từ Dự án trước, Dự án Nâng cao năng lực cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS do USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) phối hợp với tổ chức PEPFAR (Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp) và CCRD (Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng) triển khai từ năm 2017 - 2020. Dự án vẫn xác định mạng lưới cung cấp dịch vụ cộng đồng là lực lượng chính để kết nối nhóm nguy cơ với cơ sở y tế. Trong giai đoạn này, các nhân viên cộng đồng tiếp tục được đào tạo, bổ sung kiến thức, kỹ năng mới nhằm nâng cao năng lực phát triển nhóm, mạng lưới và hiệu quả hoạt động, hướng tới chuyên nghiệp hóa dịch vụ HIV/AIDS tại cộng đồng. Ông Hoàng Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Phòng, Chống HIV/AIDS, đánh giá: Đội ngũ nhân viên cộng đồng là những người gần gũi với người bệnh nhất, là nguồn nhân lực có chất lượng đã và đang đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Hy vọng rằng, trong giai đoạn mới, lực lượng nhân viên cộng đồng sẽ phát huy hết khả năng, góp sức cùng các cơ quan chuyên môn hoàn thành mục tiêu “90-90-90” vào thời gian không xa.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top