Bài học đau xót vì sự chủ quan, bất cẩn

08:27 - Thứ Năm, 10/08/2017 Lượt xem: 8212 In bài viết
ĐBP - Chỉ tính riêng trong 2 ngày (4 - 5/8), mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã cướp đi sinh mạng của 5 người. Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm chỉ vì sự chủ quan, bất cẩn. Bài viết này không nhằm mục đích trách móc những người đã mất, mà quan trọng hơn là bài học cảnh tỉnh đối với chính quyền các cấp trong công tác phòng chống mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân; đặc biệt người dân không nên chủ quan “cá cược” tính mạng trong mùa mưa lũ.

Đã nhiều ngày trôi qua nhưng trên mỗi gương mặt của người dân bản Pí, xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng vẫn còn bàng hoàng trước sự ra đi của cháu Lò Thị Hoa (sinh năm 2002, trú tại bản Pí, xã Xuân Lao). “Thủ phạm” không đâu xa lạ, chính là dòng suối vốn hiền hoà chảy quanh bản. Sự ra đi đột ngột của nạn nhân Lò Thị Hoa khiến cả vùng quê ngày nào yên bình, thơ mộng nay bỗng tang tóc, đau thương. Với gia đình nạn nhân và người dân bản Pí, dường như những thiệt hại về hoa màu, nhà cửa giờ đây không là gì so với nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân. Trước đó, vào hồi 16 giờ ngày 4/8, trong lúc đang chăn bò bên kia bờ suối, thấy trời mưa lớn Hoa đã dắt bò lội qua suối. Mặc dù lòng suối rất nhỏ, nhưng do mưa to nên lưu lượng nước lớn về nhanh, chảy xiết đã khiến nạn nhân thiệt mạng.

 

Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình mưa lũ tại Trường Mầm non xã Mường Lói (huyện Điện Biên).

Trẻ em đã đành, người lớn còn nhiều chuyện phải bàn. Cái chết của anh Lò Văn Liên, 35 tuổi, trú tại bản Mường Lói 1, xã Mường Lói, huyện Điện Biên trong đợt mưa lũ vừa qua, một lần nữa cho thấy ý thức bảo vệ tính mạng bản thân mình của một số người còn lỏng lẻo. Theo lời kể của người dân sống cùng bản với anh Liên, vào khoảng 15 giờ ngày 5/8, khi trời ngớt mưa, anh Liên cùng nhiều người khác bơi qua suối Nậm Ma đánh bắt cá. Tuy nhiên, do nước lũ lớn bất ngờ kéo về cuốn trôi, khiến anh thiệt mạng. Ông Lò Văn Siêng, Chủ tịch UBND xã Mường Lói, cho biết: Đây là lần đầu tiên Mường Lói xảy ra lũ lớn như vậy. Song không vì vậy mà chính quyền xã chủ quan trong công tác phòng chống lụt bão. Trước khi mùa mưa bão diễn ra, chúng tôi đã triển khai công tác phòng chống mưa lũ và đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản đến bà con. Đến nay, nhiều người vẫn không hiểu, vì sao trong lúc nước lũ lớn như vậy, anh Liên lại đi đánh bắt cá! Khi còn sống, anh Liên là cán bộ không chuyên trách văn phòng Đảng ủy xã Mường Lói, vì vậy công tác phòng chống mưa lũ, những cảnh báo nguy hiểm trong mùa mưa lũ chắc chắn anh Liên sẽ nắm rất rõ. Tuy nhiên, sự việc cũng đã diễn ra và người mất thì không thể sống lại được, chúng tôi xin chia buồn với gia đình nạn nhân và động viên gia đình nạn nhân sớm vượt qua đau thương, ổn định cuộc sống. Qua đây, một lần nữa chúng tôi cũng muốn nhắn nhủ, cảnh báo đến bà con, không nên qua lại, vớt củi, đánh bắt cá tại các sông, suối trong khi đang có mưa lũ, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 

Người dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên bất chấp lũ dữ vẫn liều mình vớt củi trên suối Nậm Mức, đoạn qua xã Mường Pồn.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp thiệt mạng do mưa lũ gây ra. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đầu mùa mưa lũ đến nay, toàn tỉnh có 8 người thiệt mạng do bị nước lũ cuốn trôi, trong đó huyện Điện Biên 2 người; Mường Nhé 2 người; Tuần Giáo 2 người; Mường Ảng 1 người và Mường Chà 1 người. Đặc biệt, chỉ trong 2 ngày (từ 4 - 5/8), toàn tỉnh có 5 người chết do đuối nước, trong đó có 3 người lớn và 2 trẻ em. Điều đáng chú ý là nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm chủ yếu vì sự bất cẩn, chủ quan cũng như thiếu quan tâm của người lớn đối với con trẻ gây nên những hậu quả đáng tiếc. Trong khi mực nước các sông, suối lên cao, lũ đổ về ồ ạt, thì người dân “tranh thủ” nước lớn đi đánh bắt cá, vớt gỗ do lũ cuốn từ thượng nguồn đổ về. Nhiều gia đình vẫn chủ quan, lơ là, không trông nom con trẻ.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến xã Mường Lói, huyện Điện Biên thăm hỏi, động viên và chia buồn với gia đình có người bị thiệt mạng. Chủ tịch UBND tỉnh động viên chính quyền địa phương, người dân và các lực lượng chức năng đóng chân trên địa bàn xã, sớm vượt qua những tổn thất về kinh tế, dần ổn định cuộc sống. Cũng qua đây, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, thôn, bản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế qua lại, không đi vớt củi, đánh bắt cá tại các sông, suối khi đang có mưa lũ; chủ động thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về diễn biến tình hình thời tiết, mưa lũ để sơ tán, di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng ứng cứu người, tài sản của Nhà nước và nhân dân tại các khu vực khi có thiên tai xảy ra. Chuẩn bị các điều kiện để cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại các khu vực bị chia cắt, ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán. Chủ động theo dõi, kịp thời vận động và kiên quyết di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét; đặc biệt lưu ý ở các khu vực hai bên sông, suối, hạ lưu các ao, hồ, đập. Tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ, động viên và xem xét hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại theo chế độ, chính sách hiện hành và điều kiện thực tế của địa phương; đảm bảo an toàn giao thông và thông tin liên lạc thông suốt đáp ứng các yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

 

Cán bộ Trạm y tế xã Mường Lói khắc phục hậu quả sau trận lũ.

Qua những trận mưa lũ vừa rồi cho thấy, tài sản, nhà cửa, vật dụng... chỉ là những vật vô tri, vô giác, nếu mất đi còn có thể sắm sửa lại được, nhưng mạng người khi mất đi sẽ để lại đau thương, nỗi mất mát trong nhiều năm đối với mỗi gia đình, với người thân và xã hội. Tuy nhiên, việc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người trong mỗi đợt mưa lũ thì chắc chắn nếu như mỗi người tự bảo vệ tính mạng và gia đình tự quản lý con em mình, chính quyền sở tại kịp thời thông báo, khuyến cáo, tuyên truyền đến từng người dân trong địa phương các biện pháp phòng chống, đồng thời bố trí người chốt chặn không cho người dân qua lại những nơi nguy hiểm... Thiên tai, lũ lụt là điều không thể tránh được, vì vậy việc phải luôn đề phòng trước những biến đổi thất thường, trái với quy luật của thời tiết luôn là việc mà mỗi người dân và các cấp chính quyền cần phải lưu tâm. Trận mưa lũ mới đây đã thêm một lời nhắc nhở nữa cho chính quyền và người dân rằng: thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên việc sẵn sàng đối phó để không phải trả giá cho những chủ quan của mình là điều cần thiết cho mỗi người. Rồi đây, UBND tỉnh, các ngành, các cấp sẽ có những đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão trong thời gian qua để có những phương án điều chỉnh hợp lý hơn để giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Song giải pháp quan trọng nhất để hạn chế thiệt hại trước hết phải bắt đầu từ chính ý thức chủ động, cảnh giác của mỗi người dân.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top