Hoạt động của Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam tại Điện Biên

Tạo nguồn cán bộ cho cơ sở

15:46 - Thứ Năm, 10/08/2017 Lượt xem: 7818 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, nói đến sự trưởng thành, tiến bộ của phong trào nông dân các địa bàn vùng sâu, biên giới, đương nhiên không thể không nói đến uy tín và ảnh hưởng của Hội Nông dân Việt Nam nói chung, Hội Nông dân tỉnh Điện Biên nói riêng. Trong nỗ lực đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, Hội Nông dân các cấp đã và đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm, nòng cốt của phong trào nông dân và nhất là với công cuộc xây dựng nông thôn mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo...

Tuy nhiên, có một thực tế là công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân lúc này lúc khác, nơi nọ nơi kia vẫn còn bộc lộ một số yếu kém, mà nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận cán bộ các cấp Hội Nông dân, nhất là cán bộ Hội ở cấp cơ sở còn hạn chế cả về nhận thức chính trị, trình độ học vấn và nhất là chuyên môn, nghiệp vụ công tác. Để góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập đó, mới đây, Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Điện Biên mở lớp Trung cấp ngành Công tác xã hội, chuyên ngành Công tác Hội Nông dân tỉnh Điện Biên (niên khóa 2017 - 2019), tại thành phố Điện Biên Phủ. Đây là chương trình phối hợp thực hiện theo Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2045/QĐ-TTg, ngày 20/11/2015.

 

Giờ học môn Công tác xã hội của các học viên lớp Trung cấp ngành Công tác xã hội, chuyên ngành Công tác Hội Nông dân tỉnh Điện Biên (niên khóa 2017 - 2019). 

Đầu tháng 08/2017, chúng tôi đến thăm lớp Trung cấp ngành Công tác xã hội, chuyên ngành Công tác Hội Nông dân, được tổ chức tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc khuôn viên Hội Nông dân tỉnh Điện Biên. Quan sát ban đầu, điều dễ dàng nhận thấy là gần 70 học viên ở đây hầu hết là những gương mặt trẻ. Các em đến từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Điện Biên. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết cả lớp chỉ có 1 học viên dân tộc Kinh; còn lại đều là người dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Hà Nhì, Cống, Xạ Phang, Khơ Mú, Dao, Lào...). Đây là các đối tượng thuộc diện cán bộ chủ chốt và dự nguồn cấp cơ sở của Hội Nông dân tỉnh Điện Biên.

Trong giờ giải lao, bên hành lang lớp học, học viên Lý A Ôn (sinh năm 1990, dân tộc Dao, thôn 1, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa), chia sẻ: “Em được xã cử đi học theo diện quy hoạch cán bộ nguồn của cơ sở. Mặc dù những kiến thức mà các giảng viên truyền đạt rất mới mẻ với chúng em, nhưng em sẽ cố gắng tiếp thu, học hỏi, làm sao để sau này có thể vận dụng được những kiến thức đã học vào quá trình công tác”. Học viên Chang Thứ Sinh (sinh năm 1990, dân tộc Mông, bản Huổi Lúm, xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé), cho biết: “Người dân ở địa phương em nói chung, gia đình em nói riêng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Việc vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế rất hạn chế. Mới bước vào kỳ học đầu tiên, với những nội dung được truyền đạt, như: Sử dụng các nguồn lực trong nông nghiệp; tiến bộ khoa học - công nghệ trong nông nghiệp; tổ chức sản xuất kinh doanh trồng trọt, chăn nuôi; sản xuất hàng hóa và thị trường nông nghiệp; hạch toán kinh doanh nông nghiệp…, chúng em thấy rất thiết thực để vận dụng vào thực tiễn. Mong rằng, sau khi hoàn thành khóa học, sẽ giúp em tự tin khi bước vào môi trường công tác Hội Nông dân tại cơ sở. Điều phấn khởi với chúng em là học phí được hỗ trợ hoàn toàn. Ngoài ra, mỗi ngày đi học còn được hỗ trợ tiền ăn 25.000 đồng/người và hỗ trợ tiền ngủ 20.000 đồng/người. Chúng em về đây được bố trí học và nghỉ ngay tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; Trung tâm cũng hỗ trợ chi phí điện, nước và bố trí phòng ăn, bếp đun đầy đủ”.

Qua chia sẻ của các học viên đến từ những địa bàn vùng sâu, vùng xa, hầu như các em đều phải nỗ lực, cố gắng vượt khó để theo học. Học viên nào gia đình có điều kiện hơn một chút thì được bố mẹ hỗ trợ thêm ít kinh phí để bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày. Còn những gia đình khó khăn, các em chỉ sống bằng tiền hỗ trợ của đề án 25.000 đồng/người/ngày. Chúng tôi liên hệ và được cô giáo Nguyễn Hiền Minh, dạy môn Công tác xã hội, Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, chia sẻ: Đây là lớp trung cấp hệ vừa làm vừa học đầu tiên mà Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Điện Biên mở tại thành phố Điện Biên Phủ, và cũng là lần đầu tiên cô đặt chân lên Điện Biên công tác. Điều mà cô nhận thấy rõ nhất là học viên ở đây có độ tuổi rất trẻ so với những nơi khác, hầu hết các em đều là lần đầu theo học hình thức tập trung xa nhà như thế này, chưa va chạm xã hội nhiều nên còn nhút nhát, ngại giao tiếp. Bởi học viên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên thiệt thòi hơn nhiều so với học viên ở địa bàn miền xuôi. Nhiều học viên phải ăn mì tôm trường kỳ, có em ngày 3 bữa mì tôm, vì không có tiền để ăn cơm. Rồi bằng chất giọng trầm ấm, cô giáo Nguyễn Hiền Minh khép lại cuộc trao đổi nhanh với những trăn trở qua ánh mắt đượm buồn: “Thực lòng, tôi thấy rất thương các em. Nếu việc ăn uống hàng ngày không đảm bảo, phải lo lắng cả vấn đề cơm áo gạo tiền thì các em khó có thể chuyên tâm học tập đạt kết quả tốt nhất. Tôi cũng mong rằng các cấp chính quyền, các cấp hội, nếu có thể xem xét hỗ trợ thêm khẩu phần ăn cho các em hàng ngày thì các em sẽ đỡ vất vả hơn, và cũng là để động viên các em học tập tốt hơn”.

Với mục tiêu của lớp học là tạo ra những cán bộ nguồn cấp cơ sở của Hội Nông dân tỉnh Điện Biên có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có kiến thức, kỹ năng cơ bản của ngành Công tác xã hội, chuyên ngành Công tác Hội Nông dân, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh từ cơ sở; khẳng định vị trí, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Mong rằng, mỗi học viên lớp Trung cấp ngành Công tác xã hội, chuyên ngành Công tác Hội Nông dân tỉnh Điện Biên tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ trong học tập, để sau này đem những kiến thức tiếp thu được, áp dụng vào thực tiễn công tác tại cơ sở.

Hy vọng rằng, sau lớp học này sẽ tiếp tục có nhiều lớp học khác lần lượt được mở. Lâu nay chúng ta thường đánh giá mặt bằng dân trí vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nếu vậy, những lớp học như thế này là cách tốt nhất, thiết thực và cụ thể nhất để góp phần nâng tầm nhận thức cho nhân dân vùng cao, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nói chung và đội ngũ cán bộ cơ sở nói riêng. Mặt khác, có thể từng trường hợp học viên cụ thể có những khó khăn nhất định về kinh tế trong khi theo học. Tuy nhiên, ở một cách hiểu nào đó, chính đấy cũng là thử thách xem ai là người giàu nghị lực vươn lên. Người ta thường nói, đại ý, không có con đường đi đến thành công nào lại hoàn toàn bằng phẳng, dễ dàng. Nói cách khác, tương lai của ai đặt trong tay người ấy, ai không nỗ lực “gieo hạt” hôm nay thì tất nhiên không có những “mùa vụ” bội thu sau này...

Bài, ảnh: Phùng Linh Giang
Bình luận
Back To Top