Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc

08:54 - Thứ Ba, 15/08/2017 Lượt xem: 8927 In bài viết
Ngày 14-8, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, trong 2 ngày 13 và 14-8, trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng cho các địa phương.

Cụ thể, tại huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) sạt lở đất đã làm 1 người chết, 1 người bị thương, sạt lở 40m3 ta luy dương tuyến tỉnh lộ 258. Tại huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), mưa lũ đã làm 2 người chết, 1 người mất tích. Tại huyện miền núi Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) mưa lũ đã làm sập cầu chia cắt các xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh... 

 

Mưa lũ khiến mực nước sông Ba Chẽ, Quảng Ninh dâng cao.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo, trong 2 ngày 15 và 16-8 tại các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và dông trên diện rộng, trong đó TP Hà Nội sẽ có mưa, mưa rào và dông rải rác. Các tỉnh miền núi, trung du có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm. Một số huyện thuộc tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Liên quan công tác quản lý, vận hành hồ chứa, tính đến 7h ngày 14-8, mực nước 4 hồ thủy điện lớn trên hệ thống sông Hồng vượt ngưỡng thiết kế: Hồ Hòa Bình là 12,13m, hồ Sơn La 10,08m, Tuyên Quang 7,61m… Hiện nay, duy nhất hồ Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy. Để bảo đảm an toàn hồ chứa, vùng hạ du trong những ngày tới, 4/6 đơn vị tư vấn của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đề xuất mở 1 cửa xả đáy hồ Thủy điện Sơn La; 5/6 đơn vị đề xuất mở thêm 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình. Về vùng hạ du, dự báo 7h sáng 15-8, mực nước sông Hồng tại Hà Nội ở mức 4,45m, dưới báo động 1 là 5,05m.

Để chủ động ứng phó các tình huống mưa lớn, xả lũ hồ thủy điện, ngày 14-8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội đã có Công điện số 10/CĐ-BCH yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân biết để chủ động phòng tránh; kiểm tra rà soát các vị trí xung yếu và có biện pháp bảo đảm an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” xử lý kịp thời các tình huống thiên tai có thể xảy ra...

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top