Xây dựng tuyến phố văn minh cần ý thức của toàn dân

08:50 - Thứ Năm, 17/08/2017 Lượt xem: 7452 In bài viết
ĐBP - Xây dựng tuyến phố văn minh là một trong những yếu tố cần thiết để đưa TP. Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II vào năm 2020. Xác định nhiệm vụ quan trọng này, thành phố đã nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị nhằm tạo nên diện mạo mới, làm cho thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp. Song để xây dựng tuyến phố văn minh bền vững cần một lộ trình với những bước đi cụ thể.

Nhiều lợi thế sẵn có

Theo tiêu chuẩn đánh giá tuyến đường, tuyến phố văn minh đô thị, TP. Điện Biên Phủ cần đạt 2 tiêu chuẩn về: Hạ tầng giao thông đô thị và Hoạt động kinh doanh thương mại. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu mặt đường bằng phẳng, không có bục, bệ, cầu dẫn; mặt hè được lát bằng phẳng; có đủ hệ thống biển báo, biển hiệu đường bộ. Về vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng: Mặt đường, mặt hè luôn sạch sẽ; không có nước đọng, rác, phế thải trên mặt đường, mặt hè; cây xanh trên vỉa hè được chăm sóc, cắt tỉa cành định kỳ; hệ thống chiếu sáng công cộng bảo đảm tiêu chuẩn chiếu sáng đô thị. Hệ thống dây điện, cáp quang, viễn thông nổi được bó gọn, khi lắp đặt bổ sung phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền… Ngoài ra, trật tự và mỹ quan đô thị cũng đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn về: Các điểm trông giữ xe đạp, xe máy; tiêu chuẩn về hoạt động kinh doanh thương mại; thực hiện các quy định về phòng, chống cháy, nổ; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại hàng hoá là thực phẩm tươi sống và đối với loại hình dịch vụ ăn uống; đội ngũ nhân viên bán hàng lịch sự, phục vụ chu đáo, trung thực đối với khách hàng…

 

Nhằm xây dựng tuyến phố văn minh, hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan đô thị đã được TP. Điện Biên Phủ chú trọng đầu tư xây dựng.

Ông Vũ Quyết Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Theo lộ trình xây dựng tuyến đường, tuyến phố văn minh đô thị, trên địa bàn thành phố sẽ xây dựng khoảng 10 tuyến phố văn minh, nằm trên các tuyến chính, như: Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Chí Thanh, Lò Văn Hặc… Việc xây dựng các tuyến phố trên sẽ giúp thành phố đạt trên 40% tổng số tuyến đường, phố chính khu vực nội thị được công nhận đạt “Tuyến phố văn minh đô thị”.

Để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng tuyến phố văn minh, TP. Điện Biên Phủ đã nỗ lực triển khai cải tạo, nâng cấp, đầu tư, chỉnh trang đô thị. Thành phố ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên, đảm bảo tiến độ và mỹ quan đô thị; đầu tư trang trí đường phố bằng hệ thống đèn, mô hình mang tính biểu tượng đặc trưng. Đồng thời, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường nội thị bao gồm mở rộng mặt đường nhựa, xây dựng mương thoát nước. Hiện thành phố đã hoàn thành lắp đặt đèn trang trí tại 2 tuyến đường: Trường Chinh và Hoàng Văn Thái; lắp đặt mới 3 đèn tín hiệu giao thông tại ngã ba, ngã tư; xây dựng 3 cổng chào điện tử và gần 200 cổng chào tổ dân phố, bản; xây dựng mới 20,5km điện chiếu sáng đường phố; cấp điện chiếu sáng đường chính đô thị đạt 100%; đường điện chiếu sáng 61 ngõ phố, đạt 90%. 3.000 cây hoa ban đã được trồng trên các đồi di tích, vỉa hè quốc lộ 279, quốc lộ 12. Ngoài ra, thực hiện kế hoạch trồng cây hoa ban trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, thành phố đã và đang trồng mới hàng trăm cây trên các tuyến đường: Hoàng Công Chất, Trần Đăng Ninh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ…

Nâng cao nhận thức người dân

Theo đánh giá của UBND TP. Điện Biên Phủ, trong các tiêu chí xây dựng tuyến phố văn minh, ngoài các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường vốn là lợi thế thì khó nhất là tiêu chuẩn: Hoạt động kinh doanh thương mại. Thành phố phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh thương mại, như: Đăng ký kinh doanh; kinh doanh đúng nội dung đăng ký; không kinh doanh ngành nghề, mặt hàng Nhà nước cấm kinh doanh; không kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng chưa được phép lưu thông. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành đối với hàng hoá là thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ và đối với vật liệu dùng để bao gói... Trong khi đó, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và gian lận thương mại, buôn bán hàng kém chất lượng. Ngoài ra, hoạt động quản lý đô thị còn gặp một số khó khăn. Tình trạng vi phạm các quy định về khai thác, sử dụng vỉa hè, lòng đường, đầu tư xây dựng công trình còn diễn ra ở một số khu vực nhưng chưa được xử lý triệt để.

Theo ông Nguyễn Đức Đuyện, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ thì xây dựng trật tự văn minh đô thị là vấn đề vừa cấp bách trước mắt vừa là vấn đề lâu dài. Vì vậy, cần hết sức coi trọng công tác tuyên truyền, đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân. Để việc xây dựng tuyến phố văn minh hiệu quả, cần thu hút đông đảo và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân tham gia. Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá về tuyến phố văn minh đó chính là không để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này vẫn đang xảy ra ở một số tuyến đường gần khu vực chợ. Để người dân không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, nhất là với địa bàn “tấc đất tấc vàng” như hiện nay, ngoài các biện pháp quản lý hành chính, thành phố tăng cơng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân: tổ chức họp dân, tuyên tuyền trên hệ thống phát thanh, tổ chức cam kết với các hộ dân mặt phố và hộ dân kinh doanh không vi phạm, đăng ký thực hiện các tiêu chí tuyến phố văn minh, tuyến phố kiểu mẫu...

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top